Trong khu vực ASEAN, Thái Lan được xem là đối tác thương mại lớn nhất và nhà đầu tư lớn thứ hai của Việt Nam với tổng số vốn đầu tư của Thái Lan hiện đạt hơn 14 tỷ USD. Hai quốc gia cũng đang phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều sớm đạt 25 tỷ USD theo hướng cân bằng và bền vững hơn. Đây là cơ hội để doanh nghiệp, địa phương hai nước thúc đẩy hợp tác, mở rộng kinh doanh và đầu tư, tạo thuận lợi tiếp cận thị trường đối với hàng hóa của mỗi nước cũng như trong lĩnh vực logistics.
Tại Hội nghị “Thúc đẩy kết nối ngành logistics Việt Nam và Thái Lan” và “Chương trình Kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam – Thái Lan” tổ chức vào ngày 29/10 tại Bangkok (Thái Lan), các chuyên gia cũng đánh giá rằng Thái Lan và Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội hợp tác và đồng ý về việc đẩy mạnh hợp tác trong phát triển ngành.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng, Thái Lan là một quốc gia có nhiều kinh nghiệm phát triển ngành dịch vụ logistics trong khu vực. “Chính vì vậy, tiềm năng liên kết ngành dịch vụ logistics giữa các doanh nghiệp Thái Lan và Việt Nam hiện nay còn rất nhiều dư địa, từ đầu tư hạ tầng kho bãi, nhà xưởng, cầu cảng,… đến ứng dụng công nghệ, máy móc thiết bị hiện đại; liên doanh liên kết giữa các doanh nghiệp hai nước”, Đại sứ Phạm Việt Hùng cho hay.
Theo Chỉ số logistics tại các thị trường mới nổi năm 2023 do Agility công bố cho thấy ngành logistics Việt Nam đang phát triển nhanh chóng với vị trí thứ 10 trong tổng số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, với tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm là 14-16%, đạt 40-42 tỷ USD mỗi năm. Thông qua những kết quả này, Việt Nam được đánh giá là đối tác rất tiềm năng về phát triển ngành logistics đối với Thái Lan.
Trong khi đó, Việt Nam và Thái Lan là hai nước có vị trí địa lý gần gũi, vì vậy kết nối doanh nghiệp hai nước, kết nối hạ tầng đường bộ, đường thủy, tiếp tục phát triển Hành lang kinh tế Đông Tây và Hành lang kinh tế phía Nam, mở thêm các tuyến đường bay sẽ đóng góp đáng kể vào quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Thái Lan. Với nền kinh tế năng động và vị trí chiến lược của cả hai nước ở khu vực, quan hệ đối tác Việt Nam-Thái Lan có tiềm năng to lớn để phát triển sâu rộng hơn nữa trong thời gian tới.
Đánh giá về tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực logistics giữa hai quốc gia, ông Vathit Chokwatana, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI), nhận định rằng Thái Lan và Việt Nam có nhiều điểm tương đồng về điều kiện địa lý cho phát triển logistics, đồng thời, lĩnh vực sản xuất của cả hai nước cũng đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ. Do đó, ngành logistics giữa Việt Nam và Thái Lan có cơ hội lớn để tăng cường kết nối và hợp tác sâu rộng.
Để thúc đẩy hiệu quả các hoạt động logistics giữa hai nước, ông Chokwatana đề xuất rằng Việt Nam và Thái Lan cần hoàn thiện các tuyến đường vận tải dành cho xe tải của mỗi quốc gia, nhằm tạo điều kiện lưu thông liên tục và tối ưu hóa hiệu quả của các hoạt động logistics.
Đồng quan điểm, ông Kich Aungvitulsatit, Chủ tịch Ủy ban Xúc tiến Kinh doanh ASEAN của FTI, cho rằng lĩnh vực logistics là một cơ chế quan trọng cho thương mại và đầu tư, đóng vai trò là cầu nối trong chuỗi cung ứng giữa người mua và người bán.
Bên cạnh đó, ngành logistics bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi kiến thức và kinh nghiệm chuyên biệt trong từng ngành nghề. Vì vậy, ông Aungvitulsatit gợi ý rằng việc đào tạo và phát triển tiềm năng nguồn nhân lực trong ngành là yếu tố then chốt để thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực logistics giữa Việt Nam và Thái Lan trong thời gian tới.
Source link