Phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ: Lúng túng trong triển khai – Bài 1 Xuất khẩu gỗ và lâm sản: Vì sao vẫn đối diện với bài toán thiếu bền vững? |
Ông Trịnh Xuân Dương – Chi hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) – đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.
Thưa ông, về quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ, hiện, nhiều doanh nghiệp đang kêu khó, đối với ngành gỗ dán như thế nào?
Hiện nay, các doanh nghiệp trong Chi hội Gỗ dán Việt Nam chưa ai đăng ký phân loại doanh nghiệp này. Có 1 doanh nghiệp đã nộp hồ sơ nhưng chưa đáp ứng được đầy đủ. Đáp ứng các yêu cầu phân loại doanh nghiệp Nhóm I, Nhóm II, hiện các doanh nghiệp trong ngành gỗ dán gặp nhiều khó khăn.
Gỗ dán cứng nhiệt đới. Ảnh: Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam |
Nguyên nhân do đa số các doanh nghiệp gỗ dán là các hộ làng nghề đi lên, việc họ có thể đáp ứng được ngay nhiều tiêu chuẩn cao như: phòng cháy, chữa cháy, lao động, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm… là rất khó; hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu thuần túy đến các thị trường như: Hàn Quốc, Malaysia, Nhật Bản… các thị trường này đưa ra các yêu cầu ít hơn (tức là chưa cần đáp ứng phân loại doanh nghiệp Nhóm 1, Nhóm 2) nên họ cũng chưa có sự chuẩn bị.
Với các doanh nghiệp đã làm chứng chỉ rừng bền vững (FSC) hoặc chứng nhận BSCI rồi (tiêu chuẩn xuất khẩu đi thị trường EU), việc làm phân loại doanh nghiệp Nhóm I, nhóm II sẽ dễ hơn. Nhưng hiện, cơ quan chức năng yêu cầu tất cả các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ sẽ phải tham gia vào câu chuyện phân loại này.
Việc phân loại, đánh giá doanh nghiệp sẽ giúp doanh nghiệp thông quan sẽ nhanh hơn so với đánh giá từng container. Việc phân loại doanh nghiệp cũng đánh giá về sự uy tín của doanh nghiệp vì sản phẩm tốt hay xấu là do doanh nghiệp chứ không phải do sản phẩm.
Đây là yêu cầu của cơ quan nhà nước khi các doanh nghiệp tham gia vào thị trường chế biến, xuất khẩu gỗ thì phải làm. Tuy nhiên, có thị trường yêu cầu, có thị trường không yêu cầu. Ví dụ, như với ngành gỗ dán, gần như đại đa số là xuất khẩu đến thị trường không yêu cầu, trừ những doanh nghiệp xuất khẩu đến thị trường EU và Mỹ.
Mặt khác, trong ngành chế biến gỗ, các sản phẩm rất đa dạng, ví dụ, có những đơn vị chỉ sản xuất xuất khẩu tràng hạt bằng gỗ, hay con tiện, hoa văn bảng gỗ, con cờ…, đây là những sản phẩm rất nhỏ, nhưng lại phục vụ 1 phân khúc thị trường như Singapore, Malaysia, Hàn Quốc thì không nhất thiết phải tham gia phân loại doanh nghiệp. Đây là khó khăn khi chính sách đưa ra áp dụng tất cả các doanh nghiệp liên quan đến chế biến gỗ và xuất khẩu gỗ.
Việc đưa ra quy định áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp trong ngành chế biến, xuất khẩu gỗ dẫn đến những khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ, những doanh nghiệp xuất khẩu đến những thị trường không có nhu cầu về việc phân loại doanh nghiệp này.
Như vậy, liệu doanh nghiệp nhỏ có bị “chặn đường” xuất khẩu không, thưa ông?
Đúng vậy. Như tôi đã chia sẻ ở trên, ngay như trong ngành gỗ dán, có nhiều doanh nghiệp rất nhỏ. Đa số các doanh nghiệp gỗ dán là các hộ làng nghề đi lên, việc họ có thể đáp ứng được ngay nhiều tiêu chuẩn cao như: phòng cháy chữa cháy, lao động, vệ sinh an toàn lao động, bảo hiểm… là rất khó.
Tất nhiên, về lâu dài, các doanh nghiệp sẽ phải đáp ứng, phải chuyển đổi để đáp ứng yêu cầu của thị trường, nhưng họ cần quá trình. Có thể, lộ trình là 1 năm hay 2-3 năm. Thông thường, với các doanh nghiệp nhỏ, họ cần thời gian tối thiểu ít nhất 1-2 năm mới làm được.
Ông Trịnh Xuân Dương, Chi Hội trưởng Chi hội Gỗ dán Việt Nam |
Với riêng ngành gỗ dán, có bao nhiêu doanh nghiệp tiềm năng, có thể đáp ứng các yêu cầu phân loại doanh nghiệp này? Trước khó khăn này, cộng đồng doanh nghiệp có kiến nghị gì, thưa ông?
Tiềm năng thì có khoảng 30% có thể đáp ứng được. Vì trong ngành gỗ dán, hiện một số doanh nghiệp cũng đang chuyển dịch dần sang các tỉnh, xin giấy phép mở rộng đầu tư nhà máy, khoảng thời gian đầu tư ban đầu này chắc mất ít nhất khoảng 2 năm.
Do đó, tôi cho rằng, thông tư hướng dẫn hướng dẫn phân loại doanh nghiệp, cơ quan chức năng cần gia hạn thời gian (thay vì có hiệu lực thi hành từ 15/11/2024). Ngay cả việc áp dụng quy chế không gây phá rừng (EUDR), EC cũng đã phải hoãn lại 1 năm vì không doanh nghiệp nào áp dụng được. Đây là vấn đề chúng ta cần nhìn nhận về chính sách, khi các chính sách doanh nghiệp không làm được.
Mặt khác, việc quy định áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp ngành chế biến xuất khẩu gỗ. Ngành này hiện cơ sở hạ tầng dữ liệu chưa có, việc nộp giấy tay, với hơn 1.600 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp nộp lên hàng thùng giấy tờ, nhân lực kiểm lâm họ có làm được không? Các doanh nghiệp cũng lo ngại, trong quá trình làm sẽ phát sinh tiêu cực, phát sinh đánh giá cảm quan.
Do đó, các doanh nghiệp cũng kiến nghị, cần có lộ trình phân loại doanh nghiệp theo từng thị trường; từng quy mô doanh nghiệp (doanh nghiệp xuất khẩu doanh số 1 tỷ đồng khác với doanh nghiệp xuất khẩu doanh số 100 tỷ đồng); chế biến gỗ, phải là chế biến gỗ loại gì chứ không đánh đồng tất cả vào thành một.
Xin cảm ơn ông!
Trước khó khăn vướng mắc của doanh nghiệp liên quan đến việc phân loại doanh nghiệp theo Thông tư 21 khi Nghị định số 120 có hiệu lực, mới đây, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam đã có công văn gửi Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Công văn có đoạn: “Cho tới nay, doanh nghiệp chưa có thông tin đầy đủ để tham gia phân loại doanh nghiệp xuất khẩu theo quy định tại Nghị định 102 và Nghị định 120 (sửa đổi Nghị định 102). Nếu trong thời gian tới có quyết định về thời điểm thực hiện đối với quản lý gỗ xuất khẩu quy định tại Mục 2 Chương II của Nghị định 102 thì doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn”. Trả lời về vấn đề này, Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, về phân loại doanh nghiệp, quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được hướng dẫn chi tiết tại Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định phân loại doanh nghiệp chế biến và xuất gỗ (sau đây viết tắt là Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT), có hiệu lực từ ngày 01/5/2022. Hiện nay, toàn quốc đã có 16 tỉnh thực hiện phân loại với 194 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ được phân loại doanh nghiệp Nhóm I, thông tin doanh nghiệp Nhóm I được Cục Kiểm lâm tổng hợp và đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử: www.kiemlam.org.vn. Tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 120/2024/NĐ-CP ngày 30/9/2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 102/2020/NĐ-CP (sau đây viết tắt là Nghị định số 120/2024/NĐ-CP), quy định: “2. Quy định phân loại doanh nghiệp đối với đối tượng ngoài doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ tại Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 18 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành”. Theo đó, các đối tượng doanh nghiệp mở rộng tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 16/3/2026. Hiện nay, Cục Kiểm lâm đã đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 21/2021/TT-BNNPTNT để hướng dẫn phân loại doanh nghiệp phù hợp với các đối tượng theo quy định tại Nghị định số 120/2024/NĐ-CP. |