Hướng đi bền vững cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc

Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất của Việt Nam, tiêu thụ đến 90% vải thiều, 80% thanh long của Việt Nam. Thống kê của Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho thấy kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2023 đạt 5,6 tỷ USD, riêng Trung Quốc là 3,63 tỷ USD, chiếm gần 65% tổng kim ngạch xuất khẩu trái cây của Việt Nam.

Năm 2024, dự kiến kim ngạch rau quả xuất khẩu của Việt Nam sẽ khoảng 7,5 tỷ USD, riêng Trung Quốc sẽ đạt trên 5 tỷ USD, chiếm khoảng 70% khối lượng rau quả xuất khẩu.

THỊ TRƯỜNG XUẤT KHẨU RAU CỦ QUẢ TIỀM NĂNG

Tại hội thảo “Tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả chính ngạch sang thị trường Trung Quốc” mới đây, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng xuất khẩu các sản phẩm rau củ quả sang Trung Quốc, bởi đây là thị trường lớn, có dân số đông 1,4 tỷ người, là nền kinh tế lớn thứ hai của thế giới. Nhu cầu tiêu thụ rau quả của thị trường này rất lớn, đặc biệt là các loại trái cây vùng nhiệt đới mà Việt Nam có lợi thế sản xuất với số lượng lớn, chất lượng tốt.

Theo các chuyên gia, Việt Nam có tiềm năng trở thành một trong những nước xuất khẩu trái cây quan trọng cho thế giới nói chung và Trung Quốc nói riêng. Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả khoảng 1,2 triệu ha với tổng sản lượng khoảng trên 14 triệu tấn thu hoạch hàng năm. Mặt khác, do điều kiện địa lý, Việt Nam nằm cạnh Trung Quốc – một thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất thế giới, hàng năm nhập khẩu hơn 15% sản lượng nông sản trái cây xuất khẩu của toàn thế giới (17 tỷ USD trở lên).

Hướng đi bền vững cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc - Ảnh 1

Hiện Việt Nam đang xuất khẩu chính ngạch cho Trung Quốc 11 loại trái cây đặc sản như: sầu riêng, mít, thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, măng cụt, chanh dây, ngoài ra có thêm khoai lang, cây xạ đen.

Một lợi thế nữa cho rau củ quả Việt Nam, đó là người tiêu dùng Trung Quốc ngày càng quan tâm đến các sản phẩm nông sản rau quả sạch, an toàn, có nguồn gốc tự nhiên, giá thành hợp lý, đây là điểm mạnh của rau quả Việt Nam. Nhiều loại trái cây Việt Nam như sầu riêng, thanh long, chuối, mít, xoài, chanh dây, vải… được người tiêu dùng Trung Quốc biết đến và ưa chuộng nhờ hương vị thơm ngon, chất lượng không thua kém các nước xung quanh.

Cùng với đó, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Trung Quốc giúp giảm thuế và tạo điều kiện thuận lợi cho rau quả xuất khẩu của Việt Nam, như Hiệp định ACFTA (Trung Quốc và các nước ASEAN), RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực).

Ngoài ra, Việt Nam có điều kiện logistics thuận lợi, do các cửa khẩu ở biên giới Việt Nam nằm rất gần các chợ đầu mối bên Trung Quốc (không nước nào có được) đã rút ngắn rất nhiều thời gian vận chuyển hàng rau quả từ nơi sản xuất đến chợ tiêu thụ phía Trung Quốc, giảm đáng kể chi phí logistics so các nước khác. Kể cả các cảng biển ở Trung Quốc cũng rất gần các cảng của Việt Nam, giúp tăng thêm tính cạnh tranh cho ngành hàng rau quả Việt Nam.

THÁCH THỨC CẠNH TRANH, TIÊU CHUẨN KHẮT KHE

Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc cũng có nhiều thách thức với doanh nghiệp Việt Nam, vì đây là thị trường có tính cạnh tranh cao. Hàng Việt Nam khi sang Trung Quốc phải cạnh tranh với các đối thủ từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Australia… và một số nước ở Nam Mỹ như Peru, Ecuador.

Đặc biệt, một số loại rau quả như: chuối, thanh long, vải, nhãn, bưởi, gừng, tỏi… xuất khẩu còn phải cạnh tranh với hàng nội địa Trung Quốc. Các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm của Trung Quốc cũng ngày càng nghiêm ngặt, thay đổi, đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam phải cập nhật và đáp ứng được các yêu cầu này.

Không chỉ vậy, xuất khẩu vào Trung Quốc còn gặp các rào cản kỹ thuật khắt khe như các quy định về phytosanitary (vệ sinh thực vật) và kiểm dịch động thực vật của Trung Quốc khá phức tạp, mất thời gian. Hàng rau quả xuất khẩu của Việt Nam phải có mã số vùng trồng do Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) kiểm tra, cấp. Các cơ sở chế biến, đóng gói cũng phải đăng ký xin mã số của hải quan Trung Quốc cấp sau khi kiểm tra nghiêm ngặt.

Hơn nữa, việc tìm kiếm khách hàng và xây dựng kênh phân phối tại Trung Quốc cũng là một thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam. Đa số hàng rau quả Việt Nam được bán cho các thương lái nhỏ lẻ của Trung Quốc tập trung nhiều ở biên giới phía Bắc Việt Nam. Doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường nội địa và các tỉnh, khu vực phía Bắc Trung Quốc.

Để tận dụng tối đa tiềm năng và vượt qua các thách thức, theo ông Đặng Phúc Nguyên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nắm bắt thời vụ sản xuất hàng rau quả nội địa của Trung Quốc để có biện pháp điều chỉnh lịch sản xuất xuất khẩu hàng của Việt Nam, tránh bị cạnh tranh như: thanh long, chuối, xoài, nhãn, vải, dưa hấu… Đồng thời, đầu tư vào công nghệ sản xuất, chế biến, áp dụng các kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghiên cứu các công nghệ tiên tiến bảo quản, chế biến rau quả nhằm tối ưu, kéo dài thời gian “bán hàng” cho sản phẩm rau quả Việt Nam.

CẦN LÀM MỚI QUAN ĐIỂM VỀ KHAI THÁC THỊ TRƯỜNG

Ông Đặng Phúc Nguyên nhấn mạnh việc tạo dựng hình ảnh tốt cho sản phẩm rau quả Việt Nam trên thị trường Trung Quốc nhằm chiếm trọn niềm tin người tiêu dùng Trung Quốc vào chất lượng sản phẩm rau quả Việt Nam, thông qua thực hành sản xuất tốt như VietGap, Global Gap. Các sản phẩm phải có bao bì đẹp, nhãn mác rõ ràng và dễ dàng truy xuất nguồn gốc xuất xứ, tạo sự an tâm cho người tiêu dùng.

Việc đẩy nhanh tiến độ đàm phán và ký kết các nghị định thư với Trung Quốc sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nhiều loại trái cây hơn. Bên cạnh đó, việc xây dựng các vùng nguyên liệu tập trung, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất sẽ giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp đẩy mạnh phối hợp với các thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc để không chỉ tập trung vào các chợ đầu mối, mà có thể mở rộng đến các siêu thị lớn, các thị trường ngách sâu trong nội địa. Kết hợp với các doanh nghiệp Trung Quốc để cùng nhau xây dựng chuỗi cung ứng và phân phối sản phẩm rau quả Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc.

Đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), ông Nguyễn Trung Kiên cho rằng doanh nghiệp xuất khẩu cần làm mới quan điểm về khai thác thị trường Trung Quốc, đó là phải thấy rằng, đây là thị trường có tiêu chuẩn cao, khắt khe. Vì thế, xuất khẩu cần chuyển mạnh sang hình thức thương mại điện tử chính quy, hướng tới sản xuất, xuất khẩu các mặt hàng chất lượng cao, bền vững. Đồng thời, phải giảm phụ thuộc, tiến tới dừng xuất khẩu “tiểu ngạch”. Phải theo dõi, cập nhật xu hướng, thị hiếu mới của thị trường, tăng cường tiếp cận vùng…

Đối với định hướng khai thác thị trường Trung Quốc, theo ông Kiên, doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu (tránh bị mất thương hiệu ở thị trường Trung Quốc); xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Trung, có hiểu biết về văn hóa Trung Quốc; tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm-kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm; xúc tiến, tích cực tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam-Trung Quốc; khai thác thị trường B2B và B2C Trung Quốc thông qua các nền tảng thương mại điện tử.

Ủng hộ lộ trình chuyển dịch từ “tiêu ngạch” sang “chính ngạch”, ông Kiên đề nghị các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp cùng chung tay với cơ quan chức năng và Bộ Công Thương triển khai chiến lược chuyển đổi này. Theo đó, chính quyền địa phương cần thống nhất thực hiện quy định trong quản lý thương mại biên giới. Cụ thể, trong năm 2029, Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh số lần được miễn thuế và số tiền được miễn thuế cho nhập khẩu hàng hóa theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới.

Từ 1/1/2029, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân biên giới phải có mặt để làm thủ tục xuất nhập khẩu. Từ 1/1/2030, hàng hóa xuất nhập khẩu chỉ được làm thủ tục tại: cửa khẩu quốc tế; cửa khẩu chính; cửa khẩu phụ; lối thông quan, đường chuyên dụng vận chuyển hàng hóa thuộc cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính; lối mở biên giới đã hoàn thành trình tự mở, nâng cấp cửa khẩu biên giới…

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 47-2024 phát hành ngày 18/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:  

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

Hướng đi bền vững cho xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc - Ảnh 2

Source link