Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại

Giá lúa gạo nhích tăng trở lại

Từ cuối năm 2024 đến giữa tháng 2/2025, giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu liên tục giảm sâu, đánh dấu sự đảo chiều sau giai đoạn tăng nóng trước đó. Theo đó, giá lúa lao dốc ngay trước thềm vụ Đông Xuân diễn ra. Dữ liệu từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho thấy, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh ngày 6/1 giảm khá mạnh ngay sau thời điểm nghỉ Tết Dương lịch.

Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại
Dự báo, giá gạo xuất khẩu sẽ sớm tăng trở lại. Ảnh minh họa

Cụ thể, các thương lái đã điều chỉnh giá thu mua lúa Đài thơm 8 và OM18 tươi xuống còn 8.000 – 8.200 đồng/kg, giảm 600 đồng/kg so với thời điểm trước nghỉ Tết Dương lịch. Tương tự, giá thu mua lúa OM 5451 giảm đến 500 đồng/kg, xuống chỉ còn 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa IR 50404 cũng giảm 200 đồng/kg, dao động trong khoảng 7.200 – 7.400 đồng/kg.

Còn tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, giá gạo nguyên liệu IR 504 lao dốc và giảm đến 1.200 đồng/kg, xuống chỉ còn 7.500 – 7.600 đồng/kg; gạo thành phầm IR 504 giảm 200 – 300 đồng/kg và dao động trong khoảng 10.000 – 10.200 đồng/kg.

Trên thị trường xuất khẩu, theo cập nhật từ Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam ngày 6/1 giảm thêm 8 USD so với cuối năm 2024 và chỉ còn 473 USD/tấn. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 4/2023. Ngoài ra, giá gạo 25% tấm của Việt Nam giảm 16 USD còn 438 USD/tấn. Đáng chú ý, gạo 100% tấm giảm đến 51 USD/tấn, chỉ còn 332 USD/tấn.

Tuy nhiên, sau khoảng 2 tháng giá lúa gạo trong nước giảm sâu, đà tăng đã quay trở lại. Trong phiên giao dịch sáng nay 18/2, tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long giá lúa gạo tăng nhẹ từ 100 – 200 đồng/kg.

Theo đó, giá lúa chất lượng cao dao động từ 5.800 – 7.800 đồng/kg tùy theo nhóm giống và địa phương. Lúa đặc sản như ST24, ST25 có giá cao hơn từ 8.300 – 9.000 đồng/kg. Đáng chú ý, những diện tích được doanh nghiệp bao tiêu sản xuất theo tiêu chuẩn sẽ được mua với giá cao hơn thị trường. Nhờ thời tiết thuận lợi, bà con đang đẩy nhanh tiến độ thu hoạch để tránh giảm năng suất.

Tuy nhiên, với giá gạo xuất khẩu, cập nhật số liệu từ Hiệp hội Lương thực Việt Nam ngày 18/2, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang duy trì ở mức dưới 400 USD/tấn, thấp hơn cả thời điểm ngày 6/1. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm đang được chào bán với giá 395 USD/tấn; gạo 25% tấm đang chào bán với giá 372 USD/tấn; gạo 100% tấm đang được chào bán với giá 310 USD/tấn.

Với mức giá hiện tại, gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Cụ thể, gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan đang được chào bán với giá 418 USD/tấn; gạo xuất khẩu 25% tấm đang được chào bán với giá 397 USD/tấn; gạo xuất khẩu 100% tấm được chào bán với giá 365 USD/tấn.

Tương tự, gạo xuất khẩu 5% tấm của Ấn Độ đang đứng ở mức 413 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 394 USD/tấn. Còn với gạo xuất khẩu 5% tấm của Pakistan đứng ở mức 402 USD/tấn; gạo 25% tấm đứng ở mức 370 USD/tấn; gạo 100% tấm đứng ở mức 337 USD/tấn.

Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) nhận định, thị trường gạo thế giới vừa đi qua giai đoạn giao dịch chậm so với chu kỳ hàng năm. Sự đảo chiều của giá lúa gạo trong nước và giá gạo xuất khẩu từ cuối năm 2024 được nhận định là do dư cung trên thị trường.

Trong khi các nước nhập khẩu lớn như Indonesia, Philippines đang tạm ngưng, giảm bớt, hoặc trì hoãn mua hàng để theo dõi diễn biến giá thì sản lượng gạo từ các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, đặc biệt là Ấn Độ lại tăng mạnh.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), sản lượng gạo toàn cầu niên vụ 2024 – 2025 dự báo đạt mức kỷ lục 532,66 triệu tấn, cao hơn gần 10 triệu tấn so với niên vụ trước.

Trong đó, sản lượng gạo của 4 quốc gia cung cấp gạo trên thế giới là Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan và Pakistan đều tăng so với niên vụ trước. Riêng sản lượng của Ấn Độ đạt 145 triệu tấn, tăng 7,2 triệu tấn so với năm trước, khiến nguồn cung thế giới trở nên dư thừa. Điều này khiến cho giá gạo liên tục lao dốc và đánh mất “thời kỳ hoàng kim”.

Không chỉ nguồn cung tăng vọt, nhu cầu nhập khẩu cũng suy yếu rõ rệt. Khi tình trạng khan hiếm gạo do lệnh cấm của Ấn Độ kết thúc, nhiều khách hàng truyền thống của Việt Nam trì hoãn mua hàng do kỳ vọng giá sẽ còn giảm thêm.

Dự báo giá gạo xuất khẩu sẽ phục hồi trở lại

Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Phó Tổng giám đốc MXV – cho hay, áp lực nguồn cung tiếp tục đè nặng lên thị trường gạo toàn cầu, trong khi nhu cầu chưa có dấu hiệu hồi phục mạnh mẽ. Với tình hình này, giá gạo thế giới vẫn sẽ còn chịu sức ép trong thời gian tới, ít nhất cho đến khi các nước nhập khẩu quay trở lại với nhu cầu mua hàng lớn hơn.

Hiện tại, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong nhóm các quốc gia xuất khẩu hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, đây chỉ là diễn biến mang tính tạm thời. Hạt gạo Việt Nam từ lâu đã giữ vị thế quan trọng trên bản đồ xuất khẩu toàn cầu, với phân khúc thị trường riêng biệt và nguồn cầu ổn định. Khi các khách hàng lớn quay trở lại, giá gạo nước ta nhiều khả năng sẽ phục hồi mạnh mẽ.

Các chuyên gia và doanh nghiệp trong ngành cũng nhận định, thị trường gạo thời gian qua đang là cuộc “đấu tranh tâm lý” giữa người mua và bán. Cuộc đấu tranh này chỉ mang tính thời điểm ngắn hạn vì nhu cầu thực tế của các nước nhập khẩu rất lớn.

Thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới năm 2025 vẫn là Philippines. Đây cũng là khách hàng chủ lực của Việt Nam. Bình quân mỗi tháng thị trường này phải nhập khẩu đến 350.000 tấn gạo mới đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước. Mặc dù Philippines đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung từ Thái Lan, Campuchia và Ấn Độ nhưng thị trường Việt Nam vẫn giữ vai trò quan trọng. Một thị trường quan trọng khác đó là Trung Quốc. Theo các chuyên gia, nguồn cung gạo cho Trung Quốc đến từ Thái Lan và Việt Nam chứ không phải là Ấn Độ.

Với diễn biến này, giá gạo xuất khẩu được dự báo sẽ sớm tăng trở lại. Tuy không cao như năm ngoái nhưng ít nhất cũng sẽ trong khoảng từ 435 – 450 USD/tấn với loại gạo thông dụng 5% tấm. Các loại gạo thơm, chất lượng cao, gạo đặc sản vẫn sẽ tiêu thụ tốt.

Giá gạo Việt Nam cũng đã đánh mất vị trí đắt nhất thế giới, hiện đã dưới mức 400 USD/tấn, giảm hơn so với trước thời điểm Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo vào tháng 7/2023 từ 100 – 150 USD/tấn.



Source link