Bất chấp nguồn cung cải thiện, giá cà phê xuất khẩu vẫn tăng so với tham chiếu Giá cà phê Robusta quay đầu giảm 2% sau 2 phiên tăng nhẹ |
Theo Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam, khép lại phiên giao dịch 27/2, giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 1,92% với Arabica và 1,89% với Robusta, sau ba phiên giảm liên tiếp trước đó. Hỗ trợ từ việc đồng Real mạnh lên đã lấn át sức ép từ đà hồi phục của dữ liệu tồn kho đạt chuẩn.
Giá hai mặt hàng cà phê tăng lần lượt 1,92% với Arabica và 1,89% với Robusta |
Cụ thể, đồng Real tăng trong phiên hôm qua, kéo theo tỷ giá USD/BRL giảm mạnh gần 1% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá giữa đồng tiền của quốc gia nhập khẩu lớn nhất với quốc gia xuất khẩu số một thế giới thu hẹp, hạn chế nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil khi thu về ít ngoại tệ hơn. Điều này khiến lực mua trở nên áp đảo trên thị trường dù trước đó giá suy yếu nhẹ do dữ liệu tồn kho tích cực.
Tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US tăng lên 332.797 bao loại 60kg, lấy lại “những gì đã mất” kể từ đầu tháng 11/2023. Hơn thế, lượng cà phê chờ phân loại hiện cũng lên mức 125.881 bao, là cơ sở cho thấy số lượng cà phê qua chứng nhận trong thời gian tới sẽ gia tăng.
Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO) vào ngày 5/12 dự kiến, sản lượng cà phê toàn cầu niên vụ 2023/24 sẽ tăng 5,8% so với cùng kỳ lên 178 triệu bao do một năm thu hoạch đặc biệt hai năm một lần. ICO cũng dự đoán mức tiêu thụ cà phê toàn cầu năm 2023/24 sẽ tăng 2,2% so với cùng kỳ lên 177 triệu bao, dẫn đến thặng dư 1 triệu bao cà phê.
Ghi nhận từ báo cáo 6 tháng công bố vào ngày 21/12, Cơ quan Dịch vụ Nông nghiệp nước ngoài (FAS) của USDA đã dự đoán, sản lượng cà phê thế giới vào năm 2023/24 sẽ tăng 4,2% so với cùng kỳ lên 171,4 triệu bao, với sản lượng cà phê arabica tăng 10,7% lên 97,3 triệu bao, nhưng sản lượng cà phê robusta giảm 3,3% xuống còn 74,1 triệu bao.
Nửa đầu tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. |
Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 2/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 57.000 tấn cà phê, với kim ngạch đạt 184,4 triệu USD. Tính chung từ đầu năm đến 15/2, lượng cà phê xuất khẩu đạt gần 295.000 tấn, kim ngạch đạt 911 triệu USD.
So với cùng kỳ năm ngoái, lượng cà phê xuất khẩu chỉ tăng 16,7% nhưng kim ngạch tăng tới 66,8%. Theo đó, giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng tới gần 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hiện giá cà phê tại thị trường trong nước đạt đỉnh lịch sử 30 năm qua khi vượt mốc 84.000 đồng/kg, tăng 70% so với cùng kỳ. Nguồn cung trên thị trường nội địa đang thiếu, trong khi nhu cầu mua vẫn rất cao nên gần như Việt Nam đang “một mình một chợ”.
Giá cà phê xuất khẩu trung bình đạt gần 3.100 USD/tấn, tăng gần 43% so với cùng kỳ.(tương đương tăng hơn 900 USD/tấn). Các thị trường xuất khẩu cà phê chủ yếu của Việt Nam là EU, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Indonesia…
Trong đó, EU tiếp tục là thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam với 87.748 tấn, kim ngạch 263,2 triệu USD tính đến hết tháng 1/2024. Trong khối EU, các thị trường chủ lực như: Đức đạt 26.976 tấn; Italy đạt 22.915 tấn; Tây Ban Nha đạt 16.046 tấn…
Nguồn cung cà phê Robusta khan hiếm từ Việt Nam đang đẩy giá tăng. Theo báo cáo Tổng cục Hải quan Việt Nam ngày 10/1, xuất khẩu cà phê năm 2023 của Việt Nam giảm 8,7% so với cùng kỳ xuống mức 1,62 triệu tấn.
Ngoài ra, vào ngày 3/11, Bộ Nông nghiệp Việt Nam đã dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023/24 có thể giảm 10% xuống 1.656 triệu tấn, vụ mùa nhỏ nhất trong 4 năm, do hạn hán.
Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (VICOFA) dự báo, năm 2024 tiếp tục có nhiều thuận lợi cho xuất khẩu cà phê. VICOFA nhận định, kim ngạch xuất khẩu năm 2024 có thể đạt từ 4,5 – 5 tỷ USD. Đây sẽ là năm đạt kỷ lục mới về kim ngạch xuất khẩu cà phê của Việt Nam.
Trước đó, năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 1,62 triệu tấn cà phê, kim ngạch đạt hơn 4,24 tỷ USD, dù giảm 8,7% về lượng nhưng tăng 4,6% về kim ngạch so với năm 2022.