Tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Lào tăng 104,4%

Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại

Tối 27/2 tại tỉnh Attapeu (Nam Lào) đã diễn ra Lễ khai mạc Hội chợ triển lãm thương mại, đầu tư, du lịch và biểu diễn nghệ thuật Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam năm 2024. Đây là một trong nhiều sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội nghị Ủy ban Điều phối chung lần thứ 13 Khu vực tam giác phát triển Campuchia – Lào – Việt Nam diễn ra tại tỉnh Attapeu trong các ngày từ 26/2 – 1/3.

Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu trái cây tươi từ các nông trường tại Lào, Campuchia
Cảng Chu Lai phục vụ xuất khẩu trái cây tươi từ các nông trường tại Lào, Campuchia

Tại hội chợ, nhiều doanh nghiệp của Việt Nam đang đầu tư kinh doanh tại Khu vực Campuchia – Lào – Việt Nam thuộc Lào đã trưng bày nhiều sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ chất lượng cao dùng để xuất khẩu như chuối, bưởi da xanh, dứa, đường hữu cơ…

Sự hấp dẫn của các sản phẩm đã thu hút đông đảo người dân địa phương và quan khách tới dùng thử và tất cả đều đánh giá cao chất lượng và hương vị của các sản phẩm nói trên.

Trong tháng 1/2024, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào tăng 75,8% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 174,4 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 56,8 triệu USD, tăng 104,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm, xăng dầu các loại (tăng 276%); sản phẩm từ sắt thép (tăng 176,6%); phương tiện vận tải và phụ tùng (tăng 118,7%); máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác (tăng 83,6%); sắt thép các loại (tăng 18,2%); sản phẩm gốm, sứ (tăng 79,4%);… Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 117,6 triệu USD, tăng 64,7% so với cùng kỳ năm 2023.

Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương Lào – Việt Nam đạt 1,6 tỷ USD. Trước đó, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) – nhận định, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng trưởng dựa trên cơ sở của mối quan hệ thương mại tích cực giữa hai nước.

Trong đó, các mặt hàng mà Việt Nam có thể tăng cường xuất khẩu sang Lào bao gồm: Các sản phẩm như thực phẩm, đồ dùng cá nhân, đồ gia dụng; hàng công nghiệp và xây dựng như vật liệu xây dựng, máy móc và thiết bị công nghiệp; nông sản và thực phẩm chế biến;….

Gia tăng cơ hội hợp tác giao thương

Lào và Việt Nam hiện có 10 tỉnh biên giới giáp biên, với 8 cặp cửa khẩu quốc tế, 7 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ tạo thuận lợi giao thương khu vực, quãng thời gian và chi phí được rút ngắn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.

Ngoài ra, thương mại hai nước được hưởng lợi từ việc cắt giảm thuế suất về 0% cho hầu hết các mặt hàng của hai nước theo các Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN, Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam – Lào, Hiệp định Thương mại biên giới Việt Nam – Lào. Các thuận lợi khác như thị trường Lào không yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm, người tiêu dùng có nhiều thiện cảm với hàng hóa từ Việt Nam.

Lào gần như chấp nhận chứng nhận tiêu chuẩn từ các nước xuất khẩu, trong đó bao gồm Việt Nam. Hiện các đồ uống có chứng nhận an toàn thực phẩm của Việt Nam khi vào Lào đều được chấp nhận.

Mặt khác, doanh nghiệp Việt còn có thể tận dụng việc kết nối của Lào với Thái Lan và Trung Quốc xuất khẩu sang hai thị trường. Qua đó, giảm chi phí vận chuyển, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt vào các thị trường lân cận.

Trong tương lai, việc hoàn thành hai dự án đường cao tốc Hà Nội – Vientiane và đường sắt Vũng Áng – Vientiane được kỳ vọng sẽ giúp giao thương với Lào trở nên nhanh chóng hơn, giảm chi phí giao hàng, giảm giá thành…

Đánh giá về tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước trong thời gian tới, Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam và Lào có mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện. Hợp tác kinh tế giữa hai nước đạt được nhiều kết quả tích cực, đem lại lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp. Trao đổi thương mại hai chiều gần đây liên tục tăng trưởng hằng năm ở mức hai con số.

Các chuyên gia nhận định, doanh nghiệp Việt đang có nhiều cơ hội xuất khẩu sang thị trường này. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ trong tháng 1, trao đổi thương mại Việt Nam – Lào trong cả năm 2024 dự kiến sẽ đạt và vượt mức tăng trưởng mục tiêu từ 10 – 15% mà lãnh đạo hai chính phủ đã đề ra tại kỳ họp Ủy ban liên Chính phủ Việt – Lào lần thứ 46 vừa qua.

Bên cạnh những thuận lợi thì hiện các mặt hàng nông sản, thực phẩm của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh lớn từ phía Trung Quốc và Thái Lan. Mặc dù người Lào khá yêu thích hàng Việt nhưng hàng Thái lại được ưa chuộng hơn. Do yếu tố địa lý và do chiến lược truyền thông chuyên nghiệp của các doanh nghiệp Thái, cho nên từ lâu hàng hóa của Thái Lan luôn được người Lào lựa chọn.

Mặt khác, yếu tố thời gian và giá cả hàng hóa cũng “kìm chân” doanh nghiệp Việt. Từ khu vực Đông Bắc của Thái Lan đến thủ đô Vientiane của Lào chỉ mất thời gian một ngày hoặc hơn một ngày, trong khi từ phía Việt Nam sẽ lâu hơn.

Riêng đối với mặt hàng thủy sản, người tiêu dùng Lào rất ưa chuộng sản phẩm tươi sống. Yếu tố thời gian vận chuyển đã giúp doanh nghiệp Thái có ưu thế vượt trội so với doanh nghiệp Việt.

Ngoài Thái Lan, hàng Việt hiện còn gặp cạnh tranh với hàng Trung Quốc. Từ cuối năm 2021, Trung Quốc và Lào đã đưa vào hoạt động tuyến đường sắt nối liền 2 nước. Như vậy, chi phí vận chuyển và thời gian xuất khẩu hàng hóa Trung Quốc vào thị trường này cũng giảm đi đáng kể, cạnh tranh trực tiếp với hàng Việt.

Để phát huy hơn nữa tiềm năng hợp tác thương mại giữa hai nước, các chuyên gia cũng khuyến nghị, cần có những nỗ lực chung từ cả hai bên, bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông, tăng cường quản lý các hoạt động khu vực biên giới và thúc đẩy các chính sách hỗ trợ hợp tác thương mại.



Source link