Tổng cục Thuế vừa có văn bản số 661/TCT-TTKT gửi Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh về việc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho hội viên của Hiệp hội Sắn Việt Nam.
CƠ QUAN THUẾ “NGÂM” HỒ SƠ KÉO DÀI
Cuối tháng 1/2024, Hiệp hội Sắn Việt Nam có văn bản gửi Tổng cục Thuế đề nghị giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng cho hội viên của Hiệp hội là Công ty cổ phần Fococev Việt Nam theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài chính.
“Đến nay, hồ sơ đề nghị hoàn thuế theo Mục 1 Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã kiểm tra xong, đủ điều kiện hoàn thuế nhưng Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa giải quyết hoàn thuế cho Công ty Fococev”, ông Nghiêm Minh Tiến, Chủ tịch Hiệp hội Sắn Việt Nam nêu rõ.
Fococev Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh tinh bột sắn có tổng doanh thu hằng năm hơn 3.000 tỷ đồng, sản lượng hơn 320.000 tấn/năm và hơn 1.800 lao động làm việc trên toàn hệ thống. Hiện nay hệ thống Fococev bao gồm nhiều nhà máy đặt trên mọi miền đất nước: Sơn La, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Phước.
Về vướng mắc hoàn thuế giá trị gia tăng, ông Nguyễn Xuân Sơn Hải, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Fococev Việt Nam, cho biết đơn vị đã gửi 29 hồ sơ đề nghị hoàn thuế giá trị gia tăng từ tháng 6/2020 đến tháng 2/2023 với tổng số tiền đề nghị hoàn khoản 355 tỷ đồng.
Theo quy trình, ngày 28/7/2023, Cục thuế TP. Hồ Chí Minh đã chấp nhận hồ sơ. Tiếp đó, ngày 18/8/2023, cục thuế ban hành quyết định kiểm tra số 1149/QĐ-CT-KT; ngày 5/9/2023 công bố quyết định kiểm tra và bắt đầu kiểm tra.
“Theo biên bản xác nhận số liệu kiểm tra ngày 27/10/2023 với 1 thành viên trong đoàn kiểm tra đã kết luận rằng qua kiểm tra ngẫu nhiên 2 bộ hồ sơ xuất khẩu mặt hàng xuất khẩu, công chức kiểm tra thuế ghi nhận hồ sơ hoàn thuế trong kỳ hoàn là đầy đủ điều kiện được áp thuế suất 0% đối với hàng xuất khẩu theo đúng luật thuế quy định”, lãnh đạo Công ty Fococev nêu rõ.
Đến nay, mặc dù đã kiểm tra xong nhưng đoàn kiểm tra vẫn chưa phát hành biên bản kiểm tra và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh cũng chưa giải quyết hoàn thuế cho Công ty Fococev.
Sau đó, ngày 8/12/2023, Công ty Fococev đã gửi tiếp 2 hồ sơ đề nghị hoàn thuế kỳ khai thuế tháng 5/2023 và tháng 9/2023 có tổng số tiền đề nghị hoàn thuế là khoản 11 tỷ đồng.
Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã có thông báo chấp nhận hồ sơ đề nghị hoàn thuế và phân loại hẹn trả kết quả giải quyết hoàn thuế như sau: “… Phân loại hồ sơ đề nghị hoàn thuế: hồ sơ hoàn thuế trước”; “… Thời gian hẹn trả kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế: 06 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan thuế chấp nhận hồ sơ của người nộp thuế”.
“Hết thời gian hẹn trả kết quả giải quyết hoàn thuế mà chưa được Cục thuế TP. Hồ Chí Minh giải quyết, Công ty Fococev đã trực tiếp liên hệ với Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh (Phòng Kê khai kế toán thuế) và Đoàn kiểm tra thuế (Phòng Thanh tra Kiểm tra 9) thì được biết Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã báo cáo trường hợp của Công ty Fococev và đang chờ hướng dẫn từ Tổng cục Thuế để giải quyết cho Công ty Fococev”, đại diện công ty cho biết.
Do đó, Công ty Fococev đã có Công văn 03/CTTC ngày 3/1/2024 gửi Tổng cục Thuế để báo cáo tình hình giải quyết các hồ sơ đề nghị hoàn thuế trên của công ty nhưng đến nay vẫn chưa nhận được công văn phản hồi từ Tổng cục Thuế.
Trước vướng mắc ách tắc hoàn thuế kéo dài, Công ty Fococev đề nghị Hiệp hội sắn sắp xếp thời gian làm việc trực tiếp với Tổng cục Thuế và yêu cầu Tổng cục Thuế có ý kiến hướng dẫn, chỉ đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng cho Công ty Fococev với tổng số tiền 366 tỷ đồng.
Trong đó có 29 hồ sơ cho các kỳ hoàn thuế từ tháng 6/2020 đến tháng 02/2023 với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 355 tỷ đồng. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đã thực hiện các bước nghiệp vụ kiểm tra trước hoàn xong từ nhiều tháng nhưng vẫn chưa giải quyết.
Cùng với đó, có 02 hồ sơ cho kỳ hoàn thuế tháng 5/2023 và tháng 9/2023 với số tiền đề nghị hoàn là khoảng 11 tỷ đồng theo phân loại thuộc diện hoàn thuế trước kiểm tra sau nhưng đã quá thời hạn giải quyết theo quy định.
HOÀN THUẾ TRONG LĨNH VỰC XUẤT KHẨU TINH BỘT SẮN NHIỀU RỦI RO
Thống kê về kết quả hoàn thuế trong lĩnh vực tinh bột sắn cho thấy tỷ lệ số hồ sơ được giải quyết hoàn trên tổng số hồ sơ đề nghị giảm dần qua các năm. Theo đó, tỷ lệ hồ sơ được hoàn thuế thành công năm 2019 ở mức 94-95% giảm xuống còn 45% năm 2022 và nửa đầu năm 2023.
Bên cạnh đó, tỷ lệ số hồ sơ được hoàn trước, kiểm tra sau trên tổng số hồ sơ đề nghị cũng giảm từ mức khoảng trên dưới 70% (các năm 2019-2021) xuống còn 49% (năm 2022) và 22% (nửa đầu năm 2023).
Đáng nói, số hồ sơ tồn của các năm 2019-2022 chỉ là vài hồ sơ mỗi năm thì năm 2023 đã tăng lên là 43 hồ sơ.
Thời gian qua, cơ quan thuế cẩn trọng khi hoàn thuế giá trị gia tăng vì lo ngại để lọt gian lận và dễ bị truy trách nhiệm. Cục thuế các địa phương mất nhiều thời gian thu thập thông tin, tài liệu để làm rõ bản chất giao dịch giữa các doanh nghiệp, việc xác minh hóa đơn và chờ kết quả xác minh mất nhiều thời gian nên hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế bị “ngâm” kéo dài thay vì 40 ngày theo quy định.
Hơn nữa, theo đại diện Tổng cục Thuế, cơ quan thuế phát hiện một số hồ sơ đề nghị hoàn thuế tinh bột sắn có dấu hiệu vi phạm pháp luật nhằm chiếm đoạt tiền thuế, ảnh hưởng không tốt đến các doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, tuân thủ pháp luật thuế, do đó, cần siết chặt công tác hoàn thuế với doanh nghiệp xuất khẩu mặt hàng này.
Để hạn chế các tồn tại trong quá trình hoàn thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế đề nghị các cục thuế tăng cường trao đổi, tuyên truyền đến hiệp hội doanh nghiệp, người nộp thuế chính sách pháp luật hoàn thuế giá trị gia tăng, hóa đơn điện tử để nâng cao tính tuân thủ của người nộp thuế trong việc khai, hoàn thuế giá trị gia tăng. Đồng thời, thông tin kịp thời các kết quả, thông tin về kết quả hoàn thuế giá trị gia tăng.
Ngoài ra, lãnh đạo Tổng cục Thuế cũng đề nghị các cục thuế nâng cao tinh thần trách nhiệm, xử lý dứt điểm công việc, có chế độ báo cáo hàng tuần, hàng ngày theo chỉ đạo của Tổng cục. Trong quá trình giải quyết hồ sơ, nếu có vướng mắc phát sinh, báo cáo ngay về Tổng cục để được tháo gỡ kịp thời.
Source link