Nâng cấp cửa khẩu, gia tăng hiệu quả thương mại qua biên giới

Thủ tướng đề nghị ASEAN và Trung Quốc nâng cấp hạ tầng cửa khẩu, phát triển kinh tế xanh Nhộn nhịp xuất nhập khẩu qua cửa khẩu với Trung Quốc

Thương mại biên giới góp phần quan trọng vào kinh tế địa phương

Ngày 11/10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký Quyết định 1161/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Kế hoạch đặt ra các nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó tập trung phát triển khu vực động lực, các cực tăng trưởng, các hành lang kinh tế quan trọng, các ngành kinh tế có lợi thế.

Theo đó, một trong những mục tiêu của Kế hoạch này là phát triển các cực tăng trưởng của vùng tại Thái Nguyên, Bắc Giang, Lào Cai, Sơn La, Lạng Sơn, Phú Thọ. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản phẩm nông nghiệp, du lịch đặc trưng và kinh tế cửa khẩu.

Cụ thể, tập trung phát triển hệ thống 05 khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang; khu kinh tế cửa khẩu Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng; khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn; khu kinh tế cửa khẩu Ma Lù Thàng, tỉnh Lai Châu; khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai, tỉnh Lào Cai.

Sơn La: Nâng cấp cửa khẩu, gia tăng hiệu quả thương mại qua biên giới
Cửa khẩu Lóng Sập (Sơn La) (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Sơn La)

Trong đó, phát triển 3 cửa khẩu áp dụng chính sách khu kinh tế cửa khẩu biên giới gồm: Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập, tỉnh Sơn La; cửa khẩu Chiềng Khương, tỉnh Sơn La; cửa khẩu quốc tế Tây Trang, tỉnh Điện Biên.

Như vậy, Kế hoạch đã nhắc đến 2 cửa khẩu quan trọng của Sơn La – một trong những “vựa” rau quả nổi tiếng của miền Bắc. Hiện nay, Sơn La có hơn 274 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn và Luông Pha Bang (nước CHDCND Lào). Trong đó, có 17 xã biên giới thuộc 6 huyện, gồm: Sốp Cộp, Sông Mã, Mai Sơn, Yên Châu, Mộc Châu và Vân Hồ. Những năm qua, Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, ưu tiên nguồn lực phát triển kinh tế – xã hội, gắn với tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm địa bàn biên giới phát triển, ổn định và bền vững.

Sở Công Thương Sơn La thông tin, nhìn chung, hoạt động thương mại biên giới giữa Sơn La với các tỉnh của nước CHDCND Lào tuy còn nhiều hạn chế, song đã góp phần quan trọng vào việc thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hoá, đáp ứng nhu cầu cho sản xuất và đời sống của cư dân biên giới. Công tác quản l‎í hoạt động thương mại biên giới của tỉnh Sơn La trong những năm qua đã góp phần duy trì ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại khu vực biên giới Việt Nam – Lào.

Năm 2023, tỉnh Sơn La đã xây dựng danh mục ưu tiên đầu tư nâng cấp các tuyến đường trọng điểm kết nối đến khu vực cửa khẩu, như quốc lộ 43, quốc lộ 4G, tỉnh lộ 102, 103, 105; cấp giấy phép liên vận Việt – Lào cho các phương tiện trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục triển khai dự án xây dựng cửa khẩu phụ Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp; xây dựng Trạm kiểm soát, nhà ở cho cán bộ chiến sĩ lối mở Keo Muông và hoàn thiện dự án xây dựng cửa khẩu phụ Nà Cài, huyện Yên Châu.

Việc xuất, nhập khẩu hàng hóa, nông sản qua cửa khẩu biên giới được duy trì và mở rộng. Sở Công Thương Sơn La thông tin, giai đoạn 2018-2023, hoạt động xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Sơn La đã hoạt động ổn định. Tuy nhiên, giá trị kim ngạch còn rất thấp so với cả nước (trung bình dưới 01 triệu USD/năm), cơ cấu mặt hàng còn đơn điệu, chưa có sự thay đổi đáng kể trong cơ cấu hàng hóa, phương thức trao đổi thương mại biên giới.

Tăng cường đầu tư cho khu vực cửa khẩu

Để đẩy mạnh phát triển kinh tế cửa khẩu, tháng 7/2024, HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết 349/NQ-HĐND về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án Đầu tư xây dựng Cửa khẩu chính Lóng Sập, tỉnh Sơn La thành cửa khẩu quốc tế.

Theo đó, dự kiến đầu tư 83 tỉ đồng nâng cấp cửa khẩu Lóng Sập thành cửa khẩu quốc tế với mục tiêu xây dựng khu vực cửa khẩu trở thành trung tâm dịch vụ, du lịch cửa khẩu, trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ biên giới, hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại.

Đồng thời, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân, giao lưu, hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Lào nói chung, tỉnh Sơn La, tiểu vùng Tây Bắc Việt Nam và các tỉnh Bắc Lào nói riêng.

Quy mô đầu tư sau điều chỉnh bao gồm Quốc môn kết hợp Trạm kiểm soát liên hợp, trạm kiểm tra cân, soi, trạm kiểm dịch, bãi kiểm hóa, kiểm dịch, kho ngoại quan, bãi sơ chế, bãi hạ tải, bến xe xuất cảnh, bến xe nhập cảnh, bãi xe xuất khẩu, trạm biên phòng cửa khẩu, trạm hải quan, trạm y tế, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật.

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống đường giao thông theo tiêu chuẩn đường đô thị và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

Thời gian, triển khai dự án trong năm 2024 và 2025.

Trước đó, ngày 22/12/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 182/NQ-CP về việc nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập, tỉnh Sơn La thành cửa khẩu quốc tế. Ngày 31/12/2020, Bộ Ngoại giao đã có Công hàm thông báo cho phía Lào việc Chính phủ ta đã quyết định nâng cấp cửa khẩu chính Lóng Sập, tỉnh Sơn La thành cửa khẩu quốc tế và đề nghị phía Lào sớm nâng cấp cửa khẩu chính Pa Háng, tỉnh Hủa Phăn thành cửa khẩu quốc tế.

Về phía Sở Công Thương Sơn La, sẽ phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện biên giới tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như tiếp tục duy trì công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định về thương mại biên giới (Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương…).

Bên cạnh đó, phối hợp các lực lượng chức năng, UBND các huyện biên giới theo dõi tình hình thương mại biên giới tại các cửa khẩu, lối mở biên giới trên địa bàn tỉnh; Rà soát thực trạng hạ tầng thương mại biên giới

Duy trì mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin với Sở Công Thương các tỉnh Bắc Lào; hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong tỉnh. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, đề án khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương.

Tiếp tục phối hợp với các sở, UBND các huyện, thành phố tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh (Tuần hàng nông sản an toàn, các hội nghị kết nối giao thương trực tiếp và trực tuyến…) để hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ sản phẩm hàng hóa…



Source link