Mới đây, một phái đoàn gồm 36 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đã có chuyến thăm và khảo sát môi trường đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Nhân dịp này, VnEconomy đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử xuyên biên giới tỉnh Vân Nam, xung quanh giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường cho thuê nhà kho tại Việt Nam.
Theo Chủ tịch Lưu Sáng, cùng với sự phát triển của thương mại điện tử, thị trường cho thuê nhà kho tại Việt Nam cũng phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ thống kho vận trên thị trường vẫn chủ yếu được quản lý theo phương thức truyền thống, chưa áp dụng mô hình quản lý hiện đại, làm hạn chế tốc độ giao dịch hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử.
Từ góc nhìn của ông, ông đánh giá như thế nào về những lợi thế của mô hình quản lý nhà kho theo phương thức hiện đại, dựa trên việc ứng dụng công nghệ?
Khảo sát thị trường kho vận tại Việt Nam tôi nhận thấy, các nhà kho hiện vẫn sử dụng hình thức quản lý truyền thống, không tự động hóa như Trung Quốc và một số quốc gia trong khu vực có logistics phát triển. Điều này dẫn tới sự không hiệu quả trong việc quản lý hàng xuất/nhập kho cho các doanh nghiệp thuê kho, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Hơn nữa, hải quan và các doanh nghiệp logistics không quản lý trên hệ thống chung nên việc kiểm tra sản phẩm rất mất thời gian và thủ tục phiền phức, từ đó khiến chi phí logistics bị đội lên, làm giá thành sản phẩm tăng cao và mất khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Trên thực tế, hệ thống kho vận của Việt Nam đã đảm bảo đầy đủ hạ tầng cứng như kho đông lạnh hay các kệ hàng… nhưng lại thiếu phần mềm và hệ thống quản lý tự động. Vì vậy, quá trình từ lúc ra đơn tới khi xuất kho thường bị kéo dài (có khi lên tới 1-2 ngày), tốn nhiều nhân công và hay xảy ra sai sót.
Trong khi đó, thương mại điện tử ở Việt Nam đang rất phát triển với sự xuất hiện của các sàn thương mại cũng như các nền tảng như Facebook, TikTok… Do vậy, việc thay đổi phương thức quản lý là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp kho vận của Việt Nam lúc này để thúc đẩy ngành thương mại điện tử.
Như ông vừa chia sẻ thì cách thức quản lý các kho hàng của Việt Nam đang chưa cạnh tranh. Vậy ông kỳ vọng gì từ chuyến công tác lần này?
Một số nhà kho của Việt Nam đã và đang áp dụng mô hình quản lý hiện đại, phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường. Hiện tại, chúng tôi đã hợp tác với công ty kho vận của Singapore tại Việt Nam để cải thiện vấn đề logistics, đẩy nhanh quá trình giao hàng.
Cùng với đó, chúng tôi cũng tìm kiếm những cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp khác để đưa thương mại điện tử ngày càng phát triển. Bởi hiện nay hệ thống quản lý điện tử rất đắt nên việc hợp tác nhiều bên có thể sẽ giúp cải thiện yếu tố này.
Đâu là rào cản cho việc chuyển đổi mô hình kho vận truyền thống sang hiện đại, thưa ông?
Chi phí đầu tư cho hệ thống quản lý điện tử rất đắt nên nhiều doanh nghiệp kho vận sẽ không sẵn lòng bỏ ra số tiền lớn như vậy cho dù mô hình này có nhiều ưu việt hơn so với mô hình truyền thống.
Ở chiều ngược lại, khi chi phí đầu tư của doanh nghiệp kho vận tăng, chi phí thuê kho theo đó cũng sẽ tăng. Người thuê kho cũng không sẵn lòng bỏ thêm chi phí để sử dụng dịch vụ. Tuy vậy, cần nhìn nhận rằng phương thức quản lý truyền thống đã không còn phù hợp với sự phát triển của các hoạt động giao thương hiện nay.
Hơn nữa, việc lựa chọn hệ thống quản lý hiện đại sẽ giúp doanh nghiệp tránh phát sinh sai sót trong các giao dịch, hạn chế tổn thất không đáng có, từ đó giúp giữ danh tiếng của doanh nghiệp trên sàn thương mại điện tử.
Trong bối cảnh cạnh tranh giữa các sàn thương mại điện tử và các nền tảng bán hàng như Facebook, Tiktok… ngày càng khốc liệt thì những sàn thương mại nào có lợi thế hơn thì sàn thương mại đó sẽ cạnh tranh tốt hơn.
Source link