Tiềm năng cơ hội thị trường là rất lớn
Theo Bộ Ngoại giao, với quy mô nền kinh tế Halal toàn cầu ước đạt 7.700 tỷ USD vào năm 2025, dự kiến sẽ tăng lên 10.000 tỷ USD vào năm 2028. Nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia Hồi giáo hiện đang tham gia tích cực vào thị trường này.
Thị trường thực phẩm Halal (Ảnh: Consovasukien.vn) |
Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để tham gia sâu hơn vào thị trường Halal toàn cầu nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự quan tâm của các địa phương, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Việt Nam có thế mạnh cung ứng sản phẩm nông sản, thực phẩm, du lịch, dệt may,… và là mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu với 17 Hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết. Việt Nam cũng có quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia Hồi giáo lớn trên thế giới.
Việc tham gia hiệu quả, bài bản vào thị trường Halal toàn cầu sẽ giúp khai mở thị trường Halal giàu tiềm năng, tạo thêm động lực mới cho phát triển kinh tế bền vững của đất nước. Qua đó, hình thành nên một cấu phần mới, quan trọng của nền kinh tế, đó là hệ sinh thái Halal.
Khẳng định tiềm năng và lợi thế từ khối thị trường này, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho biết, bên cạnh các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, EU… Bộ sẽ tập trung xuất khẩu các sản phẩm nông sản, thủy sản đi các thị trường Halal, Trung Đông…
Ông Trương Xuân Trung – Tham tán thương mại Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) – đánh giá: Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu nông thủy sản và các mặt hàng nông sản chế biến như: Gạo, chè, hạt điều, cà phê, hồ tiêu, rau quả… cùng các sản phẩm đồ uống. Việt Nam lại nằm trong khu vực Đông Nam Á và châu Á vốn tập trung đông dân số theo đạo Hồi như Indonesia, Malaysia, khu vực Trung Đông…
Bên cạnh đó, Việt Nam có chủ trương phát triển quan hệ với các quốc gia Trung Đông và châu Phi; trong đó, có thúc đẩy hợp tác sản xuất, nhập khẩu, chứng nhận Halal. Đây cũng là điều kiện tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm vào thị trường Halal.
Theo ông Trương Xuân Trung, quy mô, nhu cầu của thị trường Halal rất lớn. Nếu nhìn vào các số liệu tăng trưởng về tiêu thụ các nhóm mặt hàng chính ở thị trường UAE thì thấy Việt Nam có thế mạnh ở các nhóm mặt hàng như nông sản, nông sản chế biến, ngũ cốc.
Tất nhiên, câu chuyện muốn là một chuyện. Để chinh phục được thị trường này lại là cả một quá trình. Bởi đây là một thị trường đòi hỏi nhiều yêu cầu riêng và rất khắt khe. Trong đó, các thực phẩm sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal.
“Để thúc đẩy xuất khẩu hơn nữa các mặt hàng của Việt Nam vào thị trường Halal đòi hỏi các doanh nghiệp Việt phải có giấy chứng nhận Halal để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu vào thị trường các quốc gia Hồi giáo”, ông Trương Xuân Trung nói.
Mới chỉ ở bước khai phá
Theo các chuyên gia, mặc dù là thị trường lớn, rất tiềm năng, lại có thuận lợi về vị trí địa lý, song hàng hóa Việt Nam nói chung, hàng nông thủy sản nói riêng sang thị trường Halal mới chỉ ở bước đầu khai phá. Mỗi năm, Việt Nam có khoảng 50 công ty được cấp chứng nhận Halal với các sản phẩm chủ yếu là hải sản, đồ uống, thực phẩm đóng hộp, bánh kẹo, đồ ăn chay và dược phẩm. Nếu được tận dụng, phát huy tốt sẽ giúp nông thủy sản Việt Nam vững vàng tham gia vào thị trường sản phẩm Halal.
Các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu theo tiêu chuẩn Halal trong toàn bộ quy trình chăn nuôi |
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với ngành công nghiệp Halal đó là chứng nhận Halal không có giá trị vĩnh viễn, không được công nhận lẫn nhau ở tất cả các quốc gia, với tất cả mặt hàng. Điều này gây rất nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vì phải tái chứng nhận nhiều lần và phải căn cứ vào từng thị trường xuất khẩu để đăng ký chứng nhận cho phù hợp.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, theo ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các thực phẩm họ sử dụng hàng ngày phải được chứng nhận theo tiêu chuẩn Halal (Halal theo tiếng Ả rập có nghĩa là “hợp pháp”).
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, thị trường Halal có những đặc thù rất riêng biệt mà các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải lưu ý như: Tại các nước Đông Nam Á, tổ chức chứng nhận sản phẩm Halal, nhất là với thịt gà là do cơ quan quản lý nhà nước thực hiện (Việt Nam do các tổ chức tư nhân chứng nhận).
Các đơn vị phải tuân thủ nghiêm ngặt những yêu cầu theo tiêu chuẩn Halal trong toàn bộ quy trình chăn nuôi, giết mổ như: Con giống phải được xác nhận, có bố mẹ nuôi theo quy trình Halal; gà nuôi từ 1 ngày tuổi đến khi giết mổ toàn bộ phải sử dụng thức ăn đạt tiêu chuẩn Halal; quy trình giết mổ theo quy định của Halal, trong đó đặc điểm lớn nhất là ngoài yêu cầu về an toàn thực phẩm, phúc lợi động vật… thì phải có quy trình cầu nguyện trước khi giết mổ. Công việc này phải do người theo đạo Hồi giám sát và thực hiện; khâu phân phối, đóng gói cũng phải tuân theo hướng dẫn, tiêu chuẩn Halal…
Cũng theo ông Tống Xuân Chinh, thịt đạt tiêu chuẩn Halal khác thịt bình thường, với 5 dấu hiệu: Người giết mổ phải nói trước từ Allah (nghĩa là Chúa trời); động vật phải được giết mổ ở khe cổ họng với dụng cụ được mài sắc để đảm bảo tính nhân đạo; động vật phải còn sống trước khi giết mổ; thịt Halal không dính máu, sau khi hoàn tất quá trình giết mổ, thịt phải được treo ngược lên để máu chảy hết ra. Ngoài ra, động vật không được cho ăn những thức ăn làm từ động vật khác. Các động vật như bò, dê, cừu, nai, gà, chim, vịt được giết mổ theo đúng nghi thức Hồi giáo trên thì mới đạt chuẩn Halal.
Để khơi thông thị trường Halal cho sản phẩm gia cầm Việt Nam, hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao trong Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Bộ cũng đang phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại các nước Hồi giáo, đồng thời làm việc với các cơ quan, tổ chức của các nước này để trao đổi thông tin và phát triển thị trường thực phẩm Halal tại quốc gia Hồi giáo.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, yêu cầu để sản phẩm nông sản; đặc biệt là sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam vào thị trường Halal đã được nhận định rõ. Do đó, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tiếp cận và từng bước hoàn thiện quy trình, tháo gỡ những hàng rào kỹ thuật, sớm đưa sản phẩm chăn nuôi, điển hình là thịt gà Việt Nam đi vào thị trường Halal.
“Mặc dù nông sản, thủy sản đã xuất khẩu đi nhiều thị trường và xúc tiến thương mại đã có hiệu quả nhưng Việt Nam phải bước chân vào những thị trường mang tính đặc thù như thị trường Halal. Qua đó, các sản phẩm nông sản của Việt Nam có được nhiều phân khúc, nhiều thị trường, gia tăng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành”, ông Phùng Đức Tiến nói.
Ngày 22/10/2024, tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị Halal toàn quốc với chủ đề “Phát huy nội lực, đẩy mạnh hợp tác quốc tế để xây dựng ngành Halal Việt Nam bền vững”. Sự kiện do Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng tổ chức. Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, chuyên gia, cơ quan quản lý sẽ cùng nhau bàn thảo, xác định các khó khăn, vướng mắc, từ đó đề xuất giải pháp đẩy mạnh hợp tác quốc tế, thúc đẩy xây dựng, phát triển ngành Halal Việt Nam bài bản, chuyên nghiệp và toàn diện. Nâng cao nhận thức của các quốc gia, tổ chức trong khu vực và quốc tế về tiềm năng, thế mạnh, cơ hội hợp tác trong lĩnh vực Halal với Việt Nam. Đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền về Halal cho các địa phương, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. Tăng cường kết nối các địa phương, doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác tiềm năng của khu vực và quốc tế. |