Hiệp hội Điều Việt Nam dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan cho biết, tháng 9 năm 2024, cả nước đã xuất khẩu được gần 60.000 tấn nhân điều các loại, kim ngạch xuất khẩu đạt 393,4 triệu USD, tăng 10,1% về lượng và tăng mạnh 34,84% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu này thấp hơn so với tháng 8 năm 2024 là 70,87 ngàn tấn và tháng 7 năm 2024 là 74,12 ngàn tấn.
Giá xuất khẩu hạt điều bình quân tháng 9 năm 2024 đạt 6.560 USD/tấn, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm trước.
Đây là mức giá cao nhất trong năm 2024, cao hơn giá của các tháng trước đó như tháng 8/2024 là 6.424,7 USD/tấn và tháng 7 năm 2024 là 6.279,59 USD/tấn.
Tính chung trong 9 tháng đầu năm 2024, cả nước đã xuất khẩu được 581,13 ngàn tấn điều nhân các loại với kim ngạch xuất khẩu 3,38 tỷ USD, tăng gần 28% về lượng và tăng 32,6% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá xuất khẩu bình quân 9 tháng đầu năm 2024 đạt 5.775,5 USD/tấn, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, tháng 9/2024, cả nước đã nhập khẩu được 188,8 ngàn tấn điều thô, trị giá 260 triệu USD, giảm 23,18% về lượng và tăng 7,42% về trị giá, giá nhập khẩu bình quân đạt 1.377 USD/ tấn, tăng 39,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính từ tháng 1 đến tháng 9 năm 2024, cả nước nhập khẩu được 2,14 triệu tấn điều thô, trị giá 2,6 tỷ USD, giảm 11,7% về lượng và giảm 7,3% về trị giá so với 9 tháng đầu năm 2023. Giá nhập khẩu bình quân đạt 1,212 USD/ tấn, tăng 3,13% so với cùng kỳ năm ngoái.
9 tháng năm 2024, các thị trường nhập khẩu chính vẫn là: Campuchia (773,6 ngàn tấn, tăng 26,16% so với cùng kỳ), Bờ Biển Ngà (494,8 ngàn tấn, giảm 33,8% so với cùng kỳ) và một số quốc gia khác.
Cụ thể, tháng 9/2024, Việt Nam nhập khẩu hạt điều từ Bờ Biển Ngà đạt 90 ngàn tấn, tăng nhẹ so với tháng 8 năm 2024 là 68,8 ngàn tấn. Kim ngạch nhập khẩu 120 triệu USD, tăng đáng kể so với tháng 8 là 88,2 triệu USD. So sánh với cùng kỳ tháng 9 năm 2023, lượng nhập khẩu giảm 29,9%, kim ngạch giảm 3,59%.
Tuy vậy, trong tháng 9 năm 2024, Bờ Biển Ngà vẫn duy trì vị trí số 1 trong số các thị trường xuất khẩu điều thô, tương tự như tháng trước đó.
Về tổng số lượng nhập khẩu, 9 tháng năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu từ Bờ Biển Ngà tổng cộng 494,8 ngàn tấn điều thô trị giá 576,4 triệu USD, giảm lần lượt 33,8% về lượng và 28,74% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Mặc dù lượng nhập khẩu tháng 9 năm 2024 thấp hơn tháng 7 và tháng 6 năm 2024 nhưng sự gia tăng về giá trị nhập khẩu trong tháng 9 năm 2024 so với tháng 8 cho thấy biến động tăng về giá bán của thị trường này.
Theo một số chuyên gia quốc tế, giá nhân điều tăng trong năm 2024 có thể do gián đoạn chuỗi cung ứng: Việt Nam, nhà chế biến hạt điều lớn nhất thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng giảm sản lượng điều thô nhập khẩu trên 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này dẫn đến việc khan hiếm nguồn cung. Thu hoạch kém ở Tây Phi, khu vực cung cấp điều thô chính, cũng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt. Giá hạt điều thô tăng cao và việc thiếu nguồn nguyên liệu đã đẩy giá nhân điều tăng lên.
Ngoài ra, nhu cầu cao ở các thị trường mới nổi: Các quốc gia như Trung Quốc và các khu vực khác ở châu Á đang chứng kiến nhu cầu tăng mạnh do tầng lớp trung lưu mở rộng và người tiêu dùng ngày càng chú trọng đến sức khỏe. Cạnh tranh gia tăng đối với nguồn cung sẵn có đã đẩy giá lên cao.
Yếu tố kinh tế và môi trường toàn cầu: Sự biến động tỷ giá hối đoái và điều kiện thời tiết bất lợi do biến đổi khí hậu đã khiến chi phí sản xuất trở nên đắt đỏ hơn và khó dự đoán. Năng suất thu hoạch bị ảnh hưởng, làm tăng chi phí chế biến, từ đó dẫn đến giá bán lẻ cao hơn cho người tiêu dùng.
Căng thẳng địa chính trị: Một số khu vực, như Trung Đông, đang chứng kiến nhu cầu giảm do bất ổn chính trị. Tuy nhiên, nhu cầu toàn cầu nói chung vẫn mạnh, đặc biệt là ở các thị trường phương Tây, nơi người tiêu dùng chú trọng đến sức khỏe thúc đẩy tiêu thụ.
Mặc dù có nhiều thách thức, triển vọng dài hạn về giá nhân điều cho thấy sự biến động sẽ tiếp diễn, giá có khả năng duy trì ở mức cao do hạn chế nguồn cung và nhu cầu toàn cầu tăng cao, đặc biệt vào giai đoạn lễ hội cuối năm.