Tại hội nghị Logistic Việt Nam lần thứ 2 năm 2024 diễn ra vào sáng 31/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: “Logistics là một ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội. Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển lĩnh vực quan trọng này, nhờ vậy năng lực và thứ hạng của ngành logistics của Việt Nam đã có cải thiện tích cực”.
ĐỐI DIỆN VỚI NHỮNG THÁCH THỨC MỚI
Theo bảng xếp hạng được Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) ghi nhận năm 2023 Việt Nam đứng thứ 43 trong bảng chỉ số hiệu quả logistics (LPI), thuộc nhóm 5 nước đứng đầu ASEAN.
Còn theo Bảng xếp hạng về Chỉ số thị trường mới nổi của Agility (Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận hàng đầu thế giới), năm 2023 Việt Nam đứng vị trí thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi trên toàn cầu, tăng một bậc so với năm trước.
Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14% – 15%, quy mô 40 – 42 tỷ USD một năm. Doanh nghiệp logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 doanh nghiệp vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.
“Ngành logistics trong nước vẫn đang tồn tại nhiều vấn đề cần được cải thiện tại các khu vực trọng điểm về xuất nhập khẩu nông sản như Đồng bằng sông Cửu Long, hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, buộc hàng hóa phải di chuyển qua các cảng lớn như TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, tạo ra áp lực lên hạ tầng và chi phí vận tải”.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung cho biết hiện nay hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics cũng đã không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp trong thời gian qua. Dù vậy, ngành logistics của Việt Nam trên thực tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Thứ nhất, chính sách, thể chế đối với ngành logistics còn thiếu và chưa đồng bộ, chưa có khung khổ pháp lý đầy đủ đối với ngành logistics.
Thứ hai, cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics như kho hàng, bến bãi, trung tâm logistics còn hạn chế, chưa đồng bộ, chưa hình thành được các hành lang vận tải đa phương thức thông suốt, còn thiếu các trung tâm logistics ở vị trí chiến lược, kết nối với hệ thống cảng, sân bay, đường bộ và cơ sở sản xuất.
Thứ ba, doanh nghiệp logistics Việt Nam còn hạn chế về trình độ, kinh nghiệm, vốn, nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh còn yếu, thường đóng vai trò nhà thầu phụ hay đại lý cho các tập đoàn nước ngoài.
Thứ tư, nguồn nhân lực được đào tạo chuyên ngành logistics còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, đặc biệt là thiếu các nhân sự logistics trình độ cao, có năng lực ứng dụng và triển khai các công nghệ mới tại các doanh nghiệp.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng biên tập báo Đầu tư, nhận định để con đường phía trước của logistics Việt Nam sẽ là “con đường màu xanh” như nhiều người kỳ vọng, không chỉ đơn giản dựa vào những tiềm năng, lợi thế sẵn có mà đạt được.
“Dù điểm số có cải thiện trên bảng xếp hạng, nhưng vị trí thứ 43 trên toàn cầu về “Chỉ số hiệu suất logistics” (Logistics Performance Index) cũng có hàm ý nhắc nhở rằng ngành logistics Việt Nam chỉ tiến lên thôi là chưa đủ, mà còn cần phải bứt phá để vượt lên trong một thế giới cũng đang chuyển mình nhanh chóng”, ông Minh nhấn mạnh.
CHUYỂN ĐỔI SỐ TẠO ĐỘNG LỰC BỨT PHÁ
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đỗ Thành Trung khuyến nghị các doanh nghiệp logistics muốn tồn tại và phát triển bắt buộc phải cải tiến hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, đầu tư ứng dụng các công nghệ mới để nâng cao hiệu quả hoạt động và khả năng cạnh tranh.
“Đây là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp logistics Việt Nam vốn phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với kinh nghiệm, nguồn vốn, trình độ nguồn nhân lực còn hạn chế. Tuy nhiên, đây cũng là một cơ hội lớn khi các doanh nghiệp được thúc đẩy thực hiện quá trình chuyển đổi nhanh hơn, mạnh mẽ hơn, thực chất hơn”, ông Trung nhấn mạnh.
Theo đó, doanh nghiệp nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các doanh nghiệp khác, cũng như quốc gia nào nắm bắt tốt hơn các làn sóng công nghệ mới sẽ vượt lên trên các quốc gia khác.
Cũng tại diễn đàn, dưới góc độ đơn vị tư vấn, ông Yoshihiro Wake, Giám đốc Phát triển thị trường quốc tế Công ty Abeam Consulting, cho biết việc chuyển đổi số quan trọng đối với ngành logistiscs. Thông qua số hóa “sinh đôi” từ lượng dữ liệu lớn (Big Data) và trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ có thể tích hợp và phân tích những dữ liệu trong ngành như đường vận chuyển, phương thức vận chuyển,… Qua đó, có thể giám sát được cá quy trình trong chuỗi cung ứng.
Theo ông Đinh Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Viettel Post, để có thể chuyển đổi số, bước đầu tiên là phải chuyển đổi về con người, nhân lực. Từ kinh nghiệm thực tế trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp với hơn 40.000 nhân viên, ông Sơn cho biết công ty đã bắt đầu số hóa các quy trình và hoạt động. Đồng thời, đầu tư tất cả các khâu bằng các công cụ như IoT (internet vạn vật), các ứng dụng cho cán bộ nhân viên.
“Qua đó, công ty sẽ thu thập được những dữ liệu và bắt đầu đưa vào phân tích tạo ra một hệ thống nền tảng quản trị mạng lưới. Câu chuyện quan trọng nhất là khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp tìm ra được điểm nghẽn trong hệ thống từ đó phân bố nguồn lực, tái đầu tư nguồn lực một cách hợp lý”, ông Sơn nhấn mạnh.
Theo dự báo về triển vọng thị trường của Precedence Research, quy mô thị trường logistics toàn cầu có thể đạt 21,91 nghìn tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 9,35% cho giai đoạn 2024 – 2033.
Tại Việt Nam, giá trị thị trường logistics đạt khoảng 40 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỷ lệ khoảng 14 – 15% hàng năm đến năm 2025. Ngành logistics hiện đang đóng góp khoảng 4 – 5% GDP và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp.
Source link