Thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), 15 ngày đầu tháng 11/2024, Việt Nam đã xuất khẩu 8.082 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 55,4 triệu USD. Nedspice, Trân Châu và Olam Việt Nam là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất nửa đầu tháng 11, lần lượt đạt 988 tấn, 895 tấn và 865 tấn. Trong khi đó, thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam vẫn là Hoa Kỳ đạt 2.362 tấn, chiếm 29,2% thị phần.
Trong ngắn hạn, dự báo giá hồ tiêu thế giới sẽ biến động theo xu hướng giảm |
Trước đó, VPSA cho hay, tính đến hết tháng 10/2024, Việt Nam đã xuất khẩu được 219.387 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 193.892 tấn, tiêu trắng đạt 25.495 tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 1,112 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt 881,6 triệu USD, tiêu trắng đạt 162,6 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng xuất khẩu giảm 1,9% (tiêu đen giảm 3,3%, tiêu trắng tăng 10,8%), tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu lại tăng đến 48,0%. Giá xuất khẩu bình quân tiêu đen 10 tháng đạt 4.971 USD/tấn, tăng 1.528 USD và tiêu trắng đạt 6.626 USD/tấn, tăng 1.671 USD so với cùng kỳ năm 2023..
Như vậy, đến thời điểm giữa tháng 11/2024, xuất khẩu hồ tiêu thu về 1,1674 tỷ USD.
Ở chiều ngược lại, nửa đầu tháng 11/2024, Việt Nam đã nhập khẩu 2.484 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 14,3 triệu USD, so với nửa đầu tháng 10 lượng nhập khẩu tăng 8,2%. Olam Việt Nam và Harris Spice là hai doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu, đạt 894 tấn, chiếm 36,0% và 530 tấn, chiếm 21,3%. Trong khi đó, Indonesia tiếp tục là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 82,3%, đạt 2.045 tấn.
Tính chung 10 tháng đầu năm, Việt Nam đã nhập khẩu 28.596 tấn hồ tiêu các loại, trong đó, tiêu đen đạt 25.456 tấn, tiêu trắng đạt 3.140 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 131,3 triệu USD. So với cùng kỳ năm ngoái, lượng nhập khẩu tăng 27,1%, kim ngạch tăng 78,5%. Indonesia trở thành quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam, chiếm 36,0% đạt 10.287 tấn, tăng 257,2% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp theo là Brazil đạt 9.013 tấn, chiếm 31,5%, giảm 35,5% và Campuchia chiếm 23,4%, đạt 6.695 tấn, tăng 96,7%.
Như vậy, đến thời điểm giữa tháng 11/2024, Việt Nam chi 145,6 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu.
Hiện, giá hồ tiêu tại thị trường trong nước hôm nay (18/11) trung bình ở mức 139.300 đồng/kg. Tính chung trong cả tuần vừa qua, giá hồ tiêu giảm 500 – 1.500 đồng/kg so với tuần trước. Nguyên nhân chính khiến giá tiêu giảm là do nguồn cung ổn định tại các quốc gia sản xuất lớn, trong khi nhu cầu nhập khẩu chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc.
Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) – cho biết, giá tiêu ở Việt Nam giảm là do Indonesia vừa vào vụ thu hoạch. Mặt khác, do đang vào đầu vụ cà phê nên nhiều đại lý tranh thủ bán ra hồ tiêu trong kho để mua cà phê.
Theo các chuyên gia, Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch với sản lượng dự báo trên dưới 170.000 tấn, chiếm khoảng 35 – 40% nguồn cung toàn cầu. Do đó, giá hồ tiêu trên thế giới có thể còn biến động.
Dựa trên các diễn biến hiện tại, một số ý kiến cho rằng, giá tiêu tại thị trường trong nước được dự báo sẽ duy trì ổn định hoặc giảm nhẹ tại một số khu vực. Trên thị trường quốc tế, giá tiêu nhiều khả năng sẽ tiếp tục giảm nhẹ do áp lực từ đồng USD mạnh lên và nhu cầu tiêu thụ yếu ở các thị trường lớn.
Trong khi đó, ông Bính lại nhận định, dự báo giá hồ tiêu vụ 2025 sẽ cao hơn vụ 2024. Nguyên nhân trước hết là do nắng nóng kéo dài đầu năm 2024 đang ảnh hưởng lớn tới năng suất cây hồ tiêu, dẫn tới sản lượng năm 2025 tiếp tục giảm. Trong khi đó, phần lớn người trồng tiêu ở Việt Nam hiện đều có nguồn thu khác từ cà phê, sầu riêng… nên không vội bán ra sau khi thu hoạch mà sẽ chờ đến khi thấy giá tốt hơn thì mới bán.
Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu hồ tiêu cho biết, lượng hồ tiêu tồn kho tại Việt Nam hiện rất ít, trong khi vụ thu hoạch năm 2025 dự kiến sẽ chậm hơn thường lệ 1-2 tháng và sản lượng giảm do hạn hán. Điều này sẽ tạo sự thiếu hụt nhất định về nguồn cung, qua đó sẽ tác động tích cực lên giá hồ tiêu thế giới.