Tín hiệu tích cực từ nguồn cung, giá cà phê xuất khẩu suy yếu Sức ép tồn kho tăng lên, giá cà phê xuất khẩu tiếp tục đi xuống |
Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), khép lại phiên giao dịch 28/2, giá hai mặt hàng cà phê quay đầu suy yếu khi đánh mất 0,71% với Arabica và 1,07% với Robusta. Những tín hiệu tích cực về tồn kho kết hợp với tỷ giá USD/BRL tăng là yếu tố đã gây sức ép lên giá cà phê trong phiên hôm qua.
Trong báo cáo kết phiên 27/2, lượng cà phê Arabica đã qua chứng nhận trên Sở ICE tăng thêm 992 bao loại 60kg, nâng tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên 333.771 bao. Hơn nữa, số bao cà phê chờ chứng nhận vẫn ở ngưỡng cao với 166.027 bao, là động lực để tồn kho mở rộng trong thời gian tới.
Giá hai mặt hàng cà phê quay đầu suy yếu khi đánh mất 0,71% với Arabica và 1,07% với Robusta. |
Cùng với đó, đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh trong khi đồng USD mạnh lên, kéo tỷ giá USD/BRL tăng 0,69%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.
Với Robusta, tồn kho trên Sở ICE-EU có dấu hiệu cải thiện trong hai phiên gần đây, giúp dịu đi lo ngại thiếu hụt nguồn cung trên thị trường. Cụ thể, tồn kho Robusta trên sở ICE kết phiên 27/2 tăng thêm 440 tấn, kéo tổng lượng cà phê lưu trữ tại đây lên mức 24.540 tấn.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng hôm nay (29/2), giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước hiện được thu mua quanh mức 82.700 – 83.500 đồng/kg.
Hiện tượng El Nino thường mang lại mưa lớn ở Brazil và hạn hán ở Ấn Độ, tác động tiêu cực đến sản lượng cà phê. Theo một quan chức của Viện Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu Việt Nam, hiện tượng El Nino có thể gây hạn hán cho các vùng trồng cà phê của Việt Nam đầu năm 2024.
Cà phê đang là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao thứ 3 trong lĩnh vực nông nghiệp, chỉ đứng sau nhóm hàng gỗ và thủy sản. Song giá trị kim ngạch xuất khẩu của cà phê chỉ thấp hơn mặt hàng thủy sản 22 triệu USD.
Xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỉ USD trong năm 2024 |
Theo Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam (Vicofa), dự báo năm 2024 xuất khẩu cà phê tiếp tục thuận lợi. Đặc biệt, hiện nay giá cà phê đang ở mức cao, nên dù sản lượng cà phê xuất khẩu ra thế giới có thể giảm nhưng giá trị kim ngạch có thể vẫn bứt phá. Vicofa dự kiến xuất khẩu cà phê có thể đạt khoảng 4,5 đến 5 tỉ USD trong năm 2024.
Các thương nhân xuất khẩu cà phê cho hay, trên 38,2 nghìn tấn cà phê xuất khẩu trong tháng đầu tiên của năm 2024 là con số kỷ lục về khối lượng cà phê xuất khẩu cao nhất trong gần 13 năm trở lại đây và mang về giá trị kim ngạch cao kỷ lục từ trước đến nay.
Tính theo niên vụ, niên vụ cà phê 2023/2024 (từ tháng 10/2023 đến hết tháng 1/2024), xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 564.699 tấn, tăng 20,6% so với cùng kỳ của niên vụ trước.
Ông Đỗ Hà Nam – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Intimex cho biết, giá cà phê tiếp tục ở mức cao do nhu cầu thế giới cao và nguồn cung hạn chế. Đây là cơ hội lớn cho cà phê Việt.
Để xuất khẩu bền vững, ngành cà phê cần tiếp tục tái cơ cấu, đẩy mạnh chế biến sâu, tạo thương hiệu lớn mạnh cho cà phê Việt trên thị trường thế giới.
Đánh giá về tình hình cung cầu cà phê trên toàn cầu, giới chuyên gia quốc tế cho rằng, thế giới sẽ không thiếu hay gặp khó khăn đối với nguồn cung Arabica nhưng sẽ có khó khăn với Robusta.
Trong khi đó, Việt Nam là nước sản xuất và cung cấp Robusta số 1 thế giới nhiều năm nay. Cả thế giới quen với việc mua cà phê Robusta của Việt Nam. Các nhà rang xay trên thế giới đã thay đổi công thức rang xay của họ với thành phần lớn là Robusta Việt Nam.
Báo cáo của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO) cho thấy, giá Robusta đã tăng lên mức cao nhất trong 30 năm do lo ngại nguồn cung thắt chặt tại Việt Nam.
Nguồn cung Robusta toàn cầu vẫn còn bị ách tắc và tại thị trường nội địa của nhiều nước sản xuất chính vẫn còn hiện tượng kháng giá. Cùng với đó, việc EU quy định cà phê là mặt hàng phải đáp ứng Quy định chống phá rừng (EUDR) cũng là yếu tố ảnh hưởng đến giá, bởi nhiều nước vẫn chưa kịp chuẩn bị các thủ tục đáp ứng yêu cầu này. Do đó, cà phê Việt Nam tiếp tục được hưởng lợi về giá.