Cách nào để làm chủ thị trường?

Vẫn còn tình trạng mạo danh mã số vùng trồng

Theo Hiệp hội rau quả Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu sầu riêng đạt 1,32 tỉ USD tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023. Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất với 1,22 tỉ USD tăng gần 46% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu sầu riêng: Cần tổ chức sản xuất cao hơn yêu cầu thị trường
Xuất khẩu sầu riêng: Cần tổ chức sản xuất cao hơn yêu cầu thị trường

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến hết tháng 7 năm nay, xuất khẩu rau quả thu về 3,8 tỷ USD, tăng mạnh 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế mạnh Việt này được dự báo có thể cán đích 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu trong năm nay. Bởi, sầu riêng – “vua trái cây” của nước ta – đang bước vào chính vụ thu hoạch với sản lượng lớn để xuất khẩu.

Ông Đặng Phúc Nguyên – Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam – thông tin, năm 2023, xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam đạt giá trị cao nhất vào thời điểm tháng 9 và 10, với giá trị gần nửa tỉ USD mỗi tháng. Sầu riêng – mặt hàng chủ lực của nhóm rau quả – đang tạo vị thế khi giá rẻ, tươi ngon, thời gian vận chuyển nhanh.

Những năm gần đây, nhu cầu sầu riêng toàn cầu tăng 400% chủ yếu nhờ sức mua tăng từ Trung Quốc. Dự báo nhu cầu sầu riêng từ Trung Quốc có thể tăng gấp 15 lần trong tương lai. Loại quả này ngày càng khẳng định vị thế tại thị trường Trung Quốc, được người tiêu dùng ưa chuộng. Do đó, dự báo, xuất khẩu sầu riêng năm 2024 sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh.

Tuy nhiên, sự “bùng nổ” xuất khẩu sầu riêng cũng đã khiến ngành hàng này đối mặt với nhiều vấn đề đe dọa đến sự phát triển bền vững. Vừa qua, Tổng Cục Hải quan Trung Quốc ra thông báo cho biết sẽ cấm nhập khẩu sầu riêng từ 18 vùng trồng và 15 cơ sở đóng gói của Việt Nam do phát hiện tồn dư “kim loại nặng” vượt mức cho phép.

Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện kế hoạch kiểm tra đột xuất tại các cơ sở kinh doanh, đóng gói sầu riêng xuất khẩu trên địa bàn tỉnh này.

Qua kiểm tra đột xuất, đoàn đã phát hiện nhiều vấn đề. Đơn cử, tại HTX Nông nghiệp Uyên Điệp Krông Pắc (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) đoàn phát hiện tại thời điểm kiểm tra cơ sở này có 100 thùng sầu riêng in mã số vùng trồng VN-GLOR-0177 và mã số cơ sở đóng gói là VN-SGPH-014. Trong khi đó, mã số đóng gói của HTX lại là VN-DLPH-059.

Ông Nguyễn Văn Điệt – Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX – cho biết, chưa sử dụng mã số đóng gói được cấp để xuất khẩu sầu riêng. Lý giải về việc mã vùng trồng và mã cơ sở đóng gói được dán trên các thùng sầu riêng tại HTX, ông Điệt nói rằng do chủ hàng tự dán, không liên quan đến HTX, HTX chỉ mua sầu riêng tươi tại địa phương, sau đó sơ chế bán cho chủ hàng, việc mua bán không có hợp đồng.

Ngoài HTX Nông nghiệp Uyên Điệp Krông Pắc, đoàn kiểm tra còn phát hiện nhiều vi phạm tại địa điểm kinh doanh của Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (Km23, Quốc lộ 26, thôn Tân Mỹ, huyện Krông Pắc).

Tại thời điểm kiểm tra, đại diện cơ sở này chỉ cung cấp các giấy tờ, hồ sơ pháp lý mang tên Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn (trụ sở chính Km23, Quốc lộ 26, thôn Tân Mỹ, huyện Krông Pắc).

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn ghi nhận cơ sở chưa đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm như: Quy trình sản xuất thực phẩm không theo nguyên tắc một chiều từ nguyên liệu đầu vào cho đến sản phẩm cuối cùng; khu vực chứa đựng, kho bảo quản không có hoặc không đầy đủ giá, kệ, biển tên, nội quy, quy trình, chế độ vệ sinh;…

Cơ sở trên chưa cung cấp giấy tờ, hồ sơ như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP); giấy chứng nhận ISO; hồ sơ ghi chép, hồ sơ theo dõi nguồn nguyên liệu; hồ sơ ghi chép, hồ sơ theo dõi phân phối sản phẩm; hợp đồng thuê kho; phòng cháy chữa cháy; bảo vệ môi trường; hồ sơ có liên quan đến mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói được sử dụng để xuất khẩu.

Ông Phạm Văn Lượng – Giám đốc Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn – cho biết, tại huyện Krông Pắc, công ty có 3 cơ sở (kho thu mua, đóng gói quả sầu riêng tươi để xuất khẩu). Tuy nhiên chỉ có 1 trụ sở chính có đăng ký kinh doanh, kho mà đoàn kiểm tra nằm trên cùng địa bàn với trụ sở chính với công ty nên không đăng ký kinh doanh. Đây là địa điểm thu mua, đóng gói quả sầu riêng tươi nên không đăng ký chứng nhận ATTP với cơ quan có thẩm quyền…

Về hàng hóa, quả sầu riêng tươi được thu mua và đóng gói tại các địa điểm kinh doanh, sau đó đưa về trụ sở chính dán mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, xuất khẩu đi Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, Công ty CP Thương mại Xuất nhập khẩu Dũng Thái Sơn chưa xuất khẩu bất kỳ lô hàng quả sầu riêng tươi đi Trung Quốc nên chưa có giấy ủy quyền của các vùng trồng.

Cần tổ chức sản xuất cao hơn yêu cầu thị trường

Đắk Lắk đang bước vào vụ thu hoạch sầu riêng năm 2024. Năm nay dự báo diện tích sầu riêng của địa phương này đạt 34.000 – 35.000ha, sản lượng dự kiến ước đạt trên 300.000 tấn. Trước đó, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có văn bản kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét sửa đổi, bổ sung Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) 10739: 2015 – Sầu riêng quả tươi. Tiêu chuẩn này hiện đang gây khó khăn lớn trong quá trình quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm sầu riêng.

Đồng thời, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu nguyên liệu, hoạt chất tạo màu, làm chín đều và bảo quản sầu riêng trong thời gian sớm nhất. Bên cạnh đó, xem xét, đàm phán với Tổng cục Hải quan Trung Quốc ưu tiên triển khai kiểm tra, phê duyệt sớm đối với vùng trồng, cơ sở đã nộp hồ sơ và đang chờ phía Trung Quốc kiểm tra, phê duyệt cho kịp vụ mùa thu hoạch sầu riêng năm 2024.

Liên quan đến vấn đề xuất khẩu sầu riêng, ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – cho hay, việc sầu riêng được cấp Nghị định thư xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc đã mở ra cơ hội rất lớn cho loại trái cây này. Năm 2023, diện tích trồng sầu riêng ở con số 125.000 ha, trong đó 60% diện tích này đang cho thu hoạch. Sau khi sầu riêng được mở cửa tại thị trường Trung Quốc, giá sầu riêng tăng rất mạnh.

Về những bất cập trong quá trình tổ chức sản xuất từ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói và trong cả quá trình chỉ đạo điều hành, Cục Bảo vệ thực vật đã nắm rất sát và thường xuyên có những chỉ đạo để giữ được thương hiệu, uy tín sầu riêng.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường, với sản xuất nhỏ lẻ, sẽ không thể tránh được những tồn tại nêu trên. Nhưng với việc hội nhập sâu, rộng, bắt buộc chúng ta phải cập nhật được yêu cầu thị trường; những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn thị trường chúng ta phải đáp ứng được. “Để xây dựng được thương hiệu mạnh, thì yêu cầu tổ chức sản xuất, đóng gói phải đáp ứng được, thậm chí phải trên cả yêu cầu của thị trường, đặc biệt là thị trường Trung Quốc”, ông Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Trước vấn đề về lo ngại về chất lượng sầu riêng xuất khẩu, ông Ngô Xuân Nam – Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam – khuyến nghị, doanh nghiệp, người dân và các cơ quan cần đáp ứng các yêu cầu của Nghị định thư, trong đó tập trung kiểm soát an toàn thực phẩm và các đối tương kiểm dịch, tuân thủ yêu cầu quản lý mã vùng trồng, mã cơ sở đóng gói và các yêu cầu về nhật ký, hồ sơ sản xuất cũng như các chương trình giám sát an toàn thực phẩm trước khi thu hoạch.



Source link