Theo thông tin mới nhất từ Cục Phòng vệ Thương (Bộ Công Thương), ngày 5/9, các công ty Steel Dynamics, Inc, Nucor Corporation, United States Steel Corporation, Wheeling-Nippon Steel, Inc., cùng với một số liên đoàn lao động tại Hoa Kỳ đã nộp đơn yêu cầu áp thuế chống bán phá giá sản phẩm thép chống ăn mòn (“CORE”) nhập khẩu từ Australia, Brazil, Canada, Mexico, Hà Lan, Nam Phi, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Việt Nam.
Đồng thời, các công ty và tổ chức này cũng nộp đơn yêu cầu áp thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm thép CORE nhập khẩu từ Brazil, Canada, Mexico, và Việt Nam. Đơn yêu cầu cho rằng ngành sản xuất thép CORE của Hoa Kỳ đang bị thiệt hại đáng kể và bị đe dọa thiệt hại đáng kể do hàng nhập khẩu có các hành vi cạnh tranh không công bằng gây ra.
Các sản phẩm bị đề nghị điều tra là một số sản phẩm thép cán phẳng, được phủ, mạ hoặc tráng kim loại chống ăn mòn như kẽm, nhôm hoặc hợp kim kẽm, nhôm, niken hoặc sắt, bất kể có tạo hình lượn sóng hay được sơn, vecni, cán mỏng hay phủ nhựa hoặc các chất phi kim khác ngoài lớp phủ kim loại hay không.
Đây là các sản phẩm dạng cuộn có chiều rộng từ 12,7 mm trở lên, bất kể được cuộn dưới dạng nào. Ngoài ra là các sản phẩm không ở dạng cuộn (ví dụ: dạng thẳng) có độ dày nhỏ hơn 4,75 mm, có chiều rộng từ 12,7 mmtrở lên và lớn hơn 150 mm đồng thời chiều rộng lớn ít nhất gấp đôi và gấp 10 lần độ dày.
Và các sản phẩm bị đề nghị điều tra có thể là hình chữ nhật, hình vuông, hình tròn hoặc hình dạng khác và bao gồm các sản phẩm có mặt cắt hình chữ nhật hoặc không phải hình chữ nhật khi mặt cắt đó đạt được sau quá trình cán, tức là các sản phẩm đã được “gia công sau khi cán” (ví dụ: các sản phẩm đã được vát hoặc bo tròn ở các cạnh).
Các sản phẩm thép nằm trong phạm vi đề nghị điều tra này là những sản phẩm trong đó hàm lượng sắt chiếm đa số theo trọng lượng so với mỗi nguyên tố khác có trong đó; và hàm lượng các-bon từ 2% trở xuống theo trọng lượng.
Sản phẩm bị đề nghị điều tra cũng bao gồm thép chống ăn mòn đã được gia công thêm ở một quốc gia thứ ba, bao gồm nhưng không giới hạn ở các hoạt động như ủ, tôi, sơn, đánh vecni, cắt, đục lỗ và/hoặc cắt lát hoặc bất kỳ quá trình gia công nào khác mà sẽ không loại hàng hóa đó khỏi phạm vi điều tra nếu được thực hiện tại quốc gia sản xuất thép chống ăn mòn bị đề nghị điều tra.
Theo thống kê trong đơn yêu cầu, giai đoạn 2021 -2023 Việt Nam xuất khẩu lần lượt 605.044 tấn, 638.655 tấn và 266.919 tấn thép CORE vào thị trường Hoa Kỳ; 6 tháng đầu năm 2024 là 468.167 tấn.
Cục Phòng vệ Thương mại thông tin, tại Hoa Kỳ, các cuộc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm hai giai đoạn: sơ bộ và cuối cùng, liên quan đến hai cơ quan là Bộ Thương mại Hoa Kỳ và Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ.
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) sẽ đưa ra kết luận về việc hàng nhập khẩu từ các quốc gia bị điều tra có bị bán phá giá tại Hoa Kỳ hay không và xác định mức thuế chống bán phá giá sẽ được áp dụng.
Bộ này cũng sẽ đưa ra kết luận về việc chính phủ Brazil, Canada, Mexico, và Việt Nam có trợ cấp cho hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ hay không và xác định mức thuế chống trợ cấp sẽ được áp dụng.
Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC) sẽ đưa ra kết luận về việc hàng nhập khẩu từ các quốc gia bị điều tra có gây thiệt hại đáng kể hay đe dọa gây thiệt hại đáng kể cho ngành sản xuất của Hoa Kỳ hay không.
Để áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp chính thức, cả hai cơ quan phải đưa ra kết luận “khẳng định” những vấn đề trên.
Đến ngày 25/9/2024, trên cơ sở xem xét đơn yêu cầu, DOC sẽ đưa ra quyết định có khởi xướng điều tra bán phá giá và trợ cấp hay không.
Sau đó, DOC sẽ ban hành một bảng câu hỏi và tính toán biên độ phá giá cho một hoặc nhiều nhà sản xuất tại mỗi quốc gia bị điều tra. Những nhà sản xuất này được gọi là “bị đơn bắt buộc”.
Quyết định về việc nhà sản xuất nào sẽ nhận được bảng câu hỏi sẽ dựa trên khối lượng xuất khẩu. DOC có thể chỉ chọn một nhà sản xuất từ mỗi quốc gia bị điều tra để trả lời bảng câu hỏi nếu nhà sản xuất đó chiếm đến 80%-85% lượng xuất khẩu. Nếu không, DOC sẽ chọn hai hoặc nhiều nhà sản xuất từ mỗi quốc gia bị điều tra.
Các công ty được chọn làm bị đơn bắt buộc sẽ được xác định biên độ phá giá dựa trên dữ liệu thực tế mà họ cung cấp. Nếu một công ty từ chối trả lời bảng câu hỏi, công ty đó sẽ được được xác định biên độ phá giá dựa trên “các dữ kiện bất lợi có sẵn”. Đây là mức biên độ có tính chất trừng phạt do công ty không hợp tác cung cấp thông tin cho Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Mức biên độ này dựa trên biên độ bán phá giá trong đơn yêu cầu. Đối với Việt Nam, biên độ phá giá trong trong đơn yêu cầu là 158,83%.
Vì Bộ Thương mại Hoa Kỳ coi Việt Nam là “nền kinh tế phi thị trường” (“NME”), Bộ Thương mại Hoa Kỳ bắt đầu cuộc điều tra của mình với giả định rằng tất cả các nhà xuất khẩu đều là một phần của một “thực thể toàn Việt Nam” do chính phủ điều hành, sẽ phải chịu biên độ phá giá “toàn Việt Nam”. Biên độ này thường dựa trên “các dữ kiện bất lợi có sẵn”. Các công ty chứng minh được sự độc lập với chính phủ Việt Nam có thể nhận được mức thuế bán phá giá riêng dựa trên dữ liệu thực tế của họ.
Đối với điều tra trợ cấp, trong vòng 65 ngày sau khi cuộc điều tra trợ cấp được khởi xướng (khoảng ngày 29 tháng 11 năm 2024), Bộ Thương mại Hoa Kỳ phải đưa ra kết luận sơ bộ về việc có trợ cấp hay không và nếu có, thì ước tính mức trợ cấp đối với mỗi công ty bị điều tra (Bộ Thương mại Hoa Kỳ có thể và thường hoãn kết luận sơ bộ thêm 65 ngày).
Nếu Bộ Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận sơ bộ khẳng định việc trợ cấp, tương tự như trong điều tra bán phá giá, cơ quan hải quan sẽ đình chỉ việc quyết toán thuế các lô hàng thép CORE nhập khẩu từ Brazil, Canada, Mexico, và Việt Nam và yêu cầu nhà nhập khẩu nộp khoản tiền ký quỹ bằng với mức thuế chống trợ cấp sơ bộ được tính cho nhà xuất khẩu nhân với giá trị hàng hóa nhập khẩu.
Với cả điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ cử một nhóm điều tra viên đến trụ sở của bị đơn bắt buộc và yêu cầu truy cập vào hệ thống kế toán và quản trị của công ty, bao gồm hồ sơ kế toán, hệ thống bán hàng và chi phí, xác minh tính chính xác của các thông tin được cung cấp trong bản trả lời câu hỏi.
Trong vòng 75 ngày sau khi có kết luận sơ bộ, Bộ Thương mại Hoa Kỳ sẽ ban hành kết luận cuối cùng.
Source link