Chuẩn hoá hàng Việt, kiên định mục tiêu xuất khẩu xanh

Các thị trường liên tục dựng “hàng rào xanh”

Một điểm đáng chú ý trong thời gian qua là hàng loạt các thị trường lớn của hàng Việt Nam đưa ra những yêu cầu nghiêm ngặt về vấn đề thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu theo hướng xanh hoá.

Đơn cử, thời gian qua, EU liên tiếp đưa ra động thái thực thi gói Thỏa thuận Xanh châu Âu. Điển hình là quy định mới về việc thay đổi mức dư lượng tối đa (MRL) đối với một số chất có trong các sản phẩm nông sản, thực phẩm (trong đó có nhiều sản phẩm xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam); Quy định về các sản phẩm không phá rừng (EUDR) yêu cầu truy xuất nguồn gốc hàng hóa nhập khẩu vào EU không được nuôi, trồng trên đất phá rừng hoặc làm suy thoái rừng; Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon quy định về việc trả phí phát thải căn cứ vào mức độ phát thải khí nhà kính trong quy trình sản xuất tại nước xuất khẩu…

Bài 2: Chuẩn hoá hàng Việt, kiên định mục tiêu xuất khẩu xanh
Dệt may là một trong những mặt hàng sẽ chịu ảnh hưởng bởi các tiêu chuẩn xanh của các thị trường nhập khẩu

Danh sách các chính sách xanh liên quan tới hàng nhập khẩu từ bên ngoài vào EU sẽ còn tiếp tục được bổ sung cùng với tiến trình triển khai các mục tiêu trong Thỏa thuận Xanh EU đến năm 2050, đặc biệt là trong giai đoạn từ nay tới năm 2030.

Thời gian qua, EU đã có nhiều chính sách xanh đang hoặc dự kiến có ảnh hưởng trực tiếp tới hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào khu vực này như chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” (F2F), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn mới (CEAP), cơ chế điều chỉnh carbon (CBAM), quy định chống phá rừng của EU (EUDR)…

Về phía Việt Nam, các chính sách xanh của EU đang tác động đến xuất khẩu thông qua nhiều phương diện khác nhau. Có 7 nhóm hàng hóa chịu tác động mạnh nhất của EGD của EU bao gồm: Sản phẩm điện tử, công nghệ thông tin, máy móc thiết bị và linh kiện liên quan; nông sản như cà phê, điều, hạt tiêu, cacao, thịt và thủy sản; thực phẩm, đặc biệt là thực phẩm hữu cơ; ngành dệt may và giày dép; hóa chất, phân bón, pin và ắc quy; ngành công nghiệp sắt thép và nhôm; bao bì của các loại sản phẩm, đặc biệt là bao bì thực phẩm và hóa chất.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy – Tham tán thương mại, Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại thị trường Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu – cho biết, Thoả thuận Xanh châu Âu đặt ra những thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam đồng thời cũng tạo ra cơ hội phát triển mới. Do vậy, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ những thay đổi mà thỏa thuận sẽ mang lại và sẵn sàng thích ứng với những thách thức để duy trì khả năng cạnh tranh trên thị trường EU.

Đơn cử, Thoả thuận Xanh châu Âu, cụ thể là kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn, sẽ yêu cầu các sản phẩm dệt may phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt.

Trong ngành bao bì, bao bì phải được làm bằng vật liệu thân thiện với môi trường và có thể tái chế hoàn toàn. Điều này sẽ tác động đến doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất bao bì cũng như các doanh nghiệp sử dụng bao bì cho sản phẩm xuất khẩu.

Thực tế, không chỉ EU đưa ra quy định ngặt nghèo hơn về giảm phát thải khí nhà kính, Mỹ cũng đã có đề xuất “Đạo luật Cạnh tranh sạch” tương tự và dự kiến áp dụng bắt đầu từ năm 2024 đối với hàng hóa sơ cấp, và từ năm 2026 đối với cả hàng hóa sơ cấp và thành phẩm. Dự kiến, hàng hóa vượt mức phát thải cho phép sẽ phải trả tiền theo giá carbon là 55 USD (năm 2024), và tăng 5% mỗi năm với điều chỉnh lạm phát. Luật áp dụng với tất cả các nước và vùng lãnh thổ, trừ các nền kinh tế kém phát triển nhất. Vương quốc Anh và Canada đang bắt đầu tham vấn giữa các bên liên quan nhằm thảo luận về cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM)… Đó là chưa kể nhiều thị trường truyền thống cũng sẽ nâng dần các quy định kiểm soát xuất nhập khẩu.

Bà Nguyễn Cẩm Trang – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương chia sẻ, sản xuất xanh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu. Mỗi một quốc gia có một kế hoạch và lộ trình riêng để triển khai các hoạt động này. Trên thực tế, các quy định về xanh của các nước nhập khẩu có lộ trình và thời gian để cho các nước sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có thể từ từ thích ứng chứ không phải là những quy định bắt buộc thực hiện ngay lập tức.

Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng đã có những nhận thức, nhiều doanh nghiệp đã chủ động triển khai để đáp ứng quy định này. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn, hạn chế để thích ứng với quy định này.

“Việc này xuất phát từ nhận thức, nỗ lực, chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhất là các quy định liên quan đến vấn đề phải chuyển đổi công nghệ, vùng nguyên liệu, sẽ đòi hỏi chi phi rất lớn và điều này gây khó khăn cho doanh nghiệp” – bà Trang chia sẻ.

Cần coi tiêu chuẩn xanh là cơ hội, không hoàn toàn là thách thức

Trong bối cảnh thế giới ngày càng chuyển sang xanh hoá xuất khẩu, xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững là nội dung trọng tâm, xuyên suốt trong Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Trong các chương trình hành động để triển khai chiến lược cũng đã đặt ra những giải pháp cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ này.

TS. Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) – nhấn mạnh: “Ta đã tham gia 16 FTA và trong đó, có nhiều yêu cầu xanh. Ví dụ, FTA với EU khi ký kết, EU cũng đưa ra nhiều yêu cầu về quy định đánh giá carbon, về khí thải tạo ra trong môi trường sản xuất, về chiến lược xuất khẩu xanh… Doanh nghiệp phải hiểu rằng, xuất khẩu xanh là xu hướng tất yếu và doanh nghiệp buộc phải thực hiện”.

Do đó, đầu tiên, doanh nghiệp phải tìm hiểu thông tin về sản xuất xanh chuyển đổi xanh, xuất khẩu bền vững như thế nào. Điều này đã thể hiện trong các quy định mới các nước đưa ra và ta phải đáp ứng, phải tìm hiểu kỹ.

Bài 2: Chuẩn hoá hàng Việt, kiên định mục tiêu xuất khẩu xanh
Doanh nghiệp cần nỗ lực hướng tới xuất khẩu xanh. Ảnh: TTXVN

Sau khi tìm hiểu kỹ thông tin về sản xuất xanh, chuyển đổi xanh là gì, doanh nghiệp phải rà soát trong quy trình sản xuất, kinh doanh xem có những gì chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh? Khâu nào cần chuyển đổi, những bước chuyển đổi như thế nào?

Tiếp theo đó, doanh nghiệp phải đầu tư cho chuyển đổi xanh. Việc đầu tư này rất tốn kém song doanh nghiệp đã tham gia cuộc chơi thì phải chấp nhận.

Doanh nghiệp cũng phải tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài, từ tư vấn, hướng dẫn, kết nối, cung cấp tín dụng tài chính… Nguồn hỗ trợ có thể đến từ các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế ở Việt Nam, các quốc gia tiên tiến như EU… “Cuối cùng, doanh nghiệp cần phải xem việc chuyển đổi xanh không chỉ là thách thức và khó khăn mà nó là cơ hội lớn để doanh nghiệp đầu tư, chuyển đổi hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư quy trình sản xuất, thay đổi thiết bị, nguyên liệu đầu vào. Sự thay đổi sẽ kích thích đổi mới sáng tạo và về lâu dài thúc đẩy chuyển đổi tốt hơn” – TS Lê Quốc Phương chỉ rõ.

TS. Lê Quốc Phương cho biết, với chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ phải bỏ ra chi phí ban đầu như sử dụng thiết bị tiết kiệm điện, sử dụng nguyên liệu tái chế được. Nhưng về lâu dài sẽ giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm chi phí năng lượng, giảm giá thành. Nếu doanh nghiệp đạt chuyển đổi xanh càng sớm, sẽ càng tăng sức canh tranh của mình với các đối thủ. Do đó, chuyển đổi xanh sẽ là cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

Về phía Bộ Công Thương, bà Nguyễn Cẩm Trang chia sẻ, Bộ Công Thương sẽ tập trung vào các vấn đề chủ yếu liên quan đến công tác phát triển thị trường, cung cấp thông tin thị trường cho doanh nghiệp. Trong đó, Bộ đã chỉ đạo mạng lưới thương vụ Việt Nam tại nước ngoài để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá nỗ lực của doanh nghiệp Việt trong việc thích ứng, đáp ứng được các tiêu chuẩn xanh của các nước.

Các nội dung hướng dẫn, thông tin liên quan đến quy định của nước ngoài, các sổ tay cũng sẽ được triển khai thực hiện để đưa đến cho hiệp hội, doanh nghiệp các thông tin kịp thời, nhanh nhất để dn có thể chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh, đáp ứng yêu cầu của thị trường.

Bộ Công Thương cũng sẽ phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng để có những đào tạo, tập huấn liên quan đến mẫu mã, thương hiệu, thiết kế sản phẩm, để các sản phẩm xuất khẩu có thể phát triển bền vững tại các thị trường nhập khẩu.



Source link