Nhập khẩu hàng hóa đón tín hiệu tích cực

Xuất nhập khẩu đạt gần 450 tỷ USD, xuất siêu 14,53 tỷ USD Xuất nhập khẩu hàng hóa vẫn đối diện những ‘biến số’ khó lường

2 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch chục tỷ đô

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 246,87 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 14,93 tỷ USD (tương ứng tăng 27,5%); đứng thứ hai là máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng tăng 4,58 tỷ USD (tương ứng tăng 17,1%).

Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm
Xuất khẩu hàng hóa tăng trưởng đồng đều ở cả 3 nhóm hàng trọng điểm

Đáng chú ý, 8 tháng năm 2024, ghi nhận 39 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, tăng 1 nhóm so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, có 2 nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch chục tỷ đô là: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 69,24 tỷ USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 31,36 tỷ USD.

Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh.

Trong đó, tháng 8/2024, nhập khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước tăng 1,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giảm 4,5% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa khu vực kinh tế trong nước tăng 13,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 11,9%.

Cũng theo Bộ Công Thương, chiếm gần 89% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu trong 8 tháng năm 2024 là nhóm hàng cần nhập khẩu, trong đó, bao gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước.

“Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế trong bối cảnh sản xuất và tiêu thụ trong nước tăng cao, nhu cầu nhập khẩu nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất tăng mạnh để phục vụ cho các đơn hàng mới được ký kết”, Bộ Công Thương nhận định.

Cũng theo Bộ Công Thương, do sự phục hồi mạnh của sản xuất và xuất khẩu kéo theo nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất trong nước tăng cao nên nhập khẩu của nước ta trong 8 tháng năm 2024 từ hầu hết các thị trường chủ lực đều tăng.

Trung Quốc tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch sơ bộ đạt 99,29 tỷ USD, tăng tới 33,9% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 37,5% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước; tiếp đến là nhập khẩu từ thị trường Hàn Quốc đạt 36,9 tỷ USD, tăng 10,3%; khu vực thị ASEAN đạt 30,27 tỷ USD, tăng 12,5%; Nhật Bản đạt 14,37 tỷ USD, tăng 3,1%; EU đạt 10,8 tỷ USD, tăng 11,4%; Hoa Kỳ đạt 9,78 tỷ USD, tăng 6,9%.

Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) – nhận định, nền kinh tế hiện vẫn đối diện với nhiều rủi ro, khó đoán định. Xung đột Nga – Ukraine và mới đây là Israel – Hamas tiếp tục leo thang, có dấu hiệu lan rộng ra các quốc gia lân cận. Cuộc chiến chống lạm phát vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất định, đặc biệt là chính sách tiền tệ của các quốc gia lớn. Vấn đề công suất dư thừa tại Trung Quốc hiện tại cũng sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh trên thị trường. Khi nhu cầu tiêu dùng suy giảm, nguồn hàng dư thừa với giá rẻ của Trung Quốc có thể được đẩy mạnh xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Trong nước, nền kinh tế có những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Quy mô nền kinh tế Việt Nam còn khiêm tốn nhưng độ mở lại lớn, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu trước các cú sốc từ bến ngoài còn hạn chế. Những yếu tố đột xuất, bất ngờ vẫn tiềm ẩn rủi ro, khó dự báo; dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến bất thường, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Gần đây nhất, ảnh hưởng nặng nề của cơn bão Yagi chắc chắn sẽ gây ra những hệ lụy lớn đối với sản xuất công nghiệp, thương mại và xuất nhập khẩu.

Ngoài ra, hoạt động ngoại thương trong những tháng đầu năm còn có một điểm đáng chú ý là vấn đề cước vận tải biển tăng rất cao. Đơn cử, thời điểm tháng 5-6 chưa được coi là cao điểm, đặc biệt đối với các tuyến từ châu Á đi Hoa Kỳ và EU tuy nhiên giá cước biển vẫn tăng rất cao, một số nguyên nhân có thể nhắc tới là: vấn đề xung đột tại biển Đỏ làm các doanh nghiệp vận tải thay đổi tuyến vận chuyển; một số cảng biển tại châu Á gặp tình trạng tắc nghẽn, tàu phải đợi rất lâu để khai thác như cảng Thượng Hải, đặc biệt là cảng Singapore, lượng hàng xuất khẩu tại Trung Quốc tăng vọt trong tháng 5, 6 dẫn tới tình trạng thiếu booking, mất cân bằng container giữa các cảng biển châu Á.

Với độ mở đã lên tới 200% GDP, nền kinh tế Việt Nam đang trở nên dễ bị tổn thương và rất nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài. Để đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến các thị trường, chính sách xuất nhập khẩu của các nước để kịp thời thông tin cho hiệp hội, doanh nghiệp.

Tiếp tục tận dụng, đẩy mạnh hợp tác giữa Việt Nam và các nước thành viên thuộc các cơ chế hợp tác tiểu vùng nhằm tranh thủ sự viện trợ, giúp đỡ từ các đối tác phát triển, mở cửa thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam.

Tập trung đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến xuất khẩu đối với các thị trường trọng điểm, đặc biệt tận dụng tối đa ưu đãi do các FTA mang lại như CPTPP, EVFTA, RCEP… Đẩy nhanh đàm phán, ký kết, phê chuẩn các FTA, liên kết kinh tế mới, trước mắt với Israel, UAE, để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại tại các thị trường mới, thị trường tiềm năng mà các doanh nghiệp riêng lẻ chưa có điều kiện trực tiếp thâm nhập.

Duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu;…

Bộ Công Thương cho biết, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 sơ bộ xuất siêu 4,53 tỷ USD. Tính chung 8 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 19,07 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 19,9 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 15,7 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 34,77 tỷ USD.

Tính theo khu vực thị trường, trong 8 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 68,1 tỷ USD, tăng 28,6% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt 23,6 tỷ USD, tăng 22%; xuất siêu sang Nhật Bản 1,7 tỷ USD, tăng 30,5%; nhập siêu từ Trung Quốc 54,4 tỷ USD, tăng 69,6%; nhập siêu từ Hàn Quốc 20 tỷ USD, tăng 12,1%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 14,8%.



Source link